Các loại cổ phần mà công ty cổ phần có thể phát hành
305 lượt xem
Theo quy định, công ty cổ phần có thể phát
hành các loại cổ phần nào?
Ban biên tập
23-07-2020
Theo Điều 113 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, công ty cổ phần (CTCP) có quyền phát hành cổ phần (CP) phổ thông và CP ưu đãi. Trong đó, CP phổ thông là loại CP bắt buộc phải có của CTCP. Người sở hữu CP phổ thông là cổ đông phổ thông. Ngoài CP phổ thông, CTCP có thể có CP ưu đãi. Người sở hữu CP ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi. Mục đích của việc trao quyền phát hành thêm CP ưu đãi cho CTCP là nhằm tạo thêm công cụ huy động vốn cho công ty và hình thức đầu tư cho nhà đầu tư. Ngoài ra, một số loại CP ưu đãi còn được công ty sử dụng để thưởng cho người quản lý công ty hay các nhân viên mẫn cán, có năng lực nhằm tạo ra sự gắn bó lâu dài giữa họ với công ty. Như vậy, việc phát hành CP ưu đãi hay không phụ thuộc vào CTCP, mà không bắt buộc như CP phổ thông. Điểm đặc biệt của CP ưu đãi là nó tạo cho cổ đông ưu đãi những “đặc quyền” mà cổ đông phổ thông không có được. Cho nên, để cân bằng quyền lợi với cổ đông phổ thông thì nguyên lý thiết kế của Luật Doanh nghiệp là CP ưu đãi có tính 2 mặt: Có ưu đãi và có hạn chế quyền đối với cổ đông ưu đãi.[1] Trong thực tiễn, số lượng CTCP phát hành thêm CP ưu đãi biểu quyết không vượt trội hơn trường hợp CTCP chỉ phát hành CP phổ thông. Tất nhiên, tùy thuộc vào mục đích quản trị công ty mà CTCP có thể phát hành loại CP ưu đãi phù hợp.
Hiện nay, CP ưu đãi của CTCP bao gồm các loại sau đây:
(i) CP ưu đãi biểu quyết;
(ii) CP ưu đãi cổ tức;
(iii) CP ưu đãi hoàn lại;
(iv) CP ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định. Chẳng hạn như trường hợp Công ty Cổ phần FPT phát hành CP ưu đãi nhân viên. Loại CP có thể xếp vào CP ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định.[2]
Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ CP ưu đãi biểu quyết. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn đó, CP ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành CP phổ thông. Còn người được quyền mua CP ưu đãi cổ tức, CP ưu đãi hoàn lại và CP ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định.
Mỗi CP của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu nó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau. Tuy nhiên, mức độ quyền và nghĩa vụ của cổ đông thì sẽ phụ thuộc vào số lượng CP mà họ sở hữu là bao nhiêu.
Cần lưu ý là, CP phổ thông không thể chuyển đổi thành CP ưu đãi. CP ưu đãi có thể chuyển đổi thành CP phổ thông theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.
[1] Ví dụ, CP ưu đãi biểu quyết có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với CP phổ thông. Tuy nhiên, cổ đông sở hữu CP ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng CP đó cho người khác.
[2] Tham khảo: Điều lệ của Công ty Cổ phần FPT tại: https://www.fpt.com.vn/Images/files/dieu-le-fpt-31032016(1).pdf, truy cập ngày 2/4/2020.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.