Hàng hóa tạm xuất cho công ty sản xuất để sửa chữa thì nộp thuế như thế nào?

739 lượt xem

Tháng 4/2018, công ty tôi mua hai dây chuyền sản xuất từ Nhật Bản về phục vụ cho quá trình sản xuất của công ty. Sau 1,5 năm sử dụng, dây chuyền có một số hỏng hóc cần sửa chữa. Do trong nước không có cơ sở sửa chữa nên công ty tôi dự định tạm xuất cho công ty sản xuất để sửa chữa (vì công ty họ đồng ý và có thu phí sửa chữa và tiền thay các thiết bị hư hỏng). Vậy xin hỏi khi công ty tôi tạm xuất dây chuyền đi sửa chữa và sau này nhập khẩu lại thì công ty tôi phải nộp các loại thuế nào?

Ban biên tập
17-06-2020

 

Căn cứ Điểm c Khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 thì:

“Điều 16. Miễn thuế

9. Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trong thời hạn nhất định, bao gồm:

c) Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để bảo hành, sửa chữa, thay thế;

…”

Căn cứ Khoản 2 Điều 13 Nghị định 134/2016/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu:

“Điều 13. Miễn thuế đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trong thời hạn nhất định

2. Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để bảo hành, sửa chữa, thay thế quy định tại điểm c Khoản 9 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải đảm bảo không làm thay đổi hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản của hàng hóa tạm nhập, tạm xuất và không tạo ra hàng hóa khác.

Trường hợp thay thế hàng hóa theo điều kiện bảo hành của hợp đồng mua bán thì hàng hóa thay thế phải đảm bảo về hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản của hàng hóa được thay thế.”

Căn cứ Khoản 20 Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12:

“Điều 5. Đối tượng không chịu thuế

20. Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài; hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau”.

Căn cứ Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC:

“Điều 5. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng

2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam, bao gồm các trường hợp: sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị (bao gồm cả vật tư, phụ tùng thay thế)…”

Căn cứ Khoản 4 Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC, Khoản 9 Điều 1 Thông tư 60/2019/TT-BTC sửa đổi Khoản 5 Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC quy định:

“Đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng hóa đưa ra nước ngoài sửa chữa, khi nhập khẩu về Việt Nam thuộc đối tượng chịu thuế thì trị giá hải quan là chi phí thực trả để sửa chữa hàng hóa nhập khẩu phù hợp với các chứng từ liên quan đến việc sửa chữa hàng hóa”

“5. Hàng hóa nhập khẩu không có hợp đồng mua bán hàng hóa và hóa đơn thương mại; hàng hóa nhập khẩu được vận chuyển đến Việt Nam bằng dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh, không có hợp đồng mua bán và hóa đơn thương mại, trị giá hải quan là trị giá khai báo. Trường hợp cơ quan hải quan có căn cứ xác định trị giá khai báo không phù hợp thì xác định trị giá hải quan theo phương pháp xác định trị giá quy định tại Thông tư này, phù hợp với thực tế hàng hóa nhập khẩu.”

Căn cứ các quy định nêu trên và thông tin bạn cung cấp, chúng tôi cho rằng khi công ty bạn phải tạm xuất khẩu ra nước ngoài để sửa chữa không theo điều kiện bảo hành của hợp đồng hoặc đã quá thời hạn bảo hành của hợp đồng, sau đó tái nhập khẩu về Việt Nam và có phát sinh khoản phí sửa chữa phải trả cho đối tác nước ngoài thì:

Trong thời gian tạm xuất, nếu hàng hóa được sửa chữa, thay thế vật tư, linh kiện, phụ tùng, khi tái nhập phải kê khai, nộp đủ các loại thuế đối với vật tư, linh kiện, phụ tùng thay thế, không kê khai tính thuế giá trị gia tăng đối với tiền công, phí gia công sửa chữa ở nước ngoài (hàng hóa tách riêng được chi phí nhân công sửa chữa với chi phí thay thế vật tư, linh kiện, phụ tùng thì trị giá hải quan là chi phí thay thế vật tư, linh kiện, phụ tùng, không bao gồm chi phí sửa chữa hoặc nhân công).

Trường hợp chứng từ liên quan đến việc sửa chữa không tách riêng được chi phí nhân công, sửa chữa với chi phí thay thế vật tư, linh kiện, phụ tùng thì trị giá hải quan là trị giá khai báo. Trường hợp cơ quan hải quan có căn cứ xác định trị giá khai báo không phù hợp thì xác định trị giá hải quan theo phương pháp xác định trị giá quy định tại Thông tư này, phù hợp với thực tế hàng hóa nhập khẩu.

Trường hợp cơ quan hải quan xác định hàng hóa tái nhập của doanh nghiệp không phải là hàng hóa đã tạm xuất trước đây thì doanh nghiệp bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

 

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận