Thẩm quyền và trách nhiệm của Trưởng ban kiểm soát trong công ty cổ phần

1.3K lượt xem

Vụ án kinh doanh, thương mại về tranh chấp giữa thành viên với người quản lý, giữa nguyên đơn (cổ đông) là ông Nguyễn Văn H và bị đơn (người quản lý) là ông K, được xét xử sơ thẩm bởi Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh bằng Bản án số 1249/2016/KDTM-ST ngày 20 tháng 12 năm 2016, xét xử phúc thẩm tại Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh bằng Bản án số 48/2018/KDTM-PT ngày 19/10/2018.

Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải S (Công ty S) là công ty cổ phần hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vận tải. Ban kiểm soát Công ty S gồm có bà P (Trưởng Ban kiểm soát), bà G và bà V là thành viên. Bà P là trưởng Ban kiểm soát Công ty S từ tháng 4/2015, bà không phải là cổ đông của Công ty S và đang làm việc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán V (Công ty V); còn bà G và bà V cũng đang làm việc tại các doanh nghiệp khác.

Ngày 10/9/2015, Ban lãnh đạo Công ty S có gửi văn bản đề nghị Ban kiểm soát hỗ trợ kiểm tra hoạt động của công ty, để báo cáo Đại hội đồng cổ đông thường niên. Đến ngày 07/12/2015, Ban kiểm soát mới gửi thông báo về việc tiến hành kiểm tra các hoạt động kinh doanh của công ty, bao gồm Công ty S và các công ty trực thuộc là công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) MTV Dịch vụ bảo vệ L và Công ty TNHH MTV Thương mại Du lịch Sài Gòn, thời gian kiểm tra là 05 ngày làm việc từ ngày 14/12/2015 đến ngày 19/12/2015.

Tại văn bản thông báo, Ban kiểm soát đề cập việc thuê Công ty V trực tiếp tham gia cùng Ban kiểm soát. Đồng thời, bà P (Trưởng Ban kiểm soát) cũng gửi bản chào giá đã gửi trước đó cho Công ty V với chi phí là 40.000.000 đồng, do chính bà P ký. Trước khi ký bản chào giá với Công ty V, bà có gửi email cho các thành viên HĐQT nhưng chỉ có ông H và ông T trả lời bằng email là đồng ý, ông O không có ý kiến phản hồi, còn ông K thì cho rằng đã lấy ý kiến HĐQT và thay mặt HĐQT Công ty S là không đồng ý.

Ngày 14 và ngày 15/12/2015, Công ty V cùng Ban kiểm soát Công ty S thực hiện công việc theo phạm vi dịch vụ của thư chào giá. Sau đó, ông K không đồng ý cho Công ty V trực tiếp kiểm tra vì Công ty V là công ty mà bà P đang làm việc, nếu ký hợp đồng thuê Công ty V trực tiếp kiểm tra là không đúng quy định của Luật Doanh nghiệp. Ý định của Ban kiểm soát Công ty S không được thực hiện nên Ban kiểm soát đã không có báo cáo về hoạt động của Công ty S trình Đại hội đồng cổ đông thường niên.

Ngày 28/12/2015, ông H (thành viên HĐQT Công ty S) đã khởi kiện ông K với trình bày như sau:

Ông K là phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc (TGĐ) Công ty CP Vận chuyển S (Công ty S) từ tháng 9/2014 nhưng ông K đã thực hiện quyền và nhiệm vụ được giao trái với quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty, cụ thể như sau:

Ban kiểm soát của Công ty S nhận thấy tình hình kinh doanh của công ty đang xảy ra thua lỗ kéo dài, có dấu hiệu vi phạm trong quản lý, điều hành của Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty là ông K. Ngày 07/12/2015, Ban kiểm soát của công ty đã ban hành quyết định về việc tiến hành kiểm tra các hoạt động kinh doanh của toàn công ty, bao gồm Công ty S và các công ty trực thuộc là công ty TNHH MTV Dịch vụ bảo vệ L1 (Công ty L1) và Công ty TNHH MTV Thương mại Du lịch Sài Gòn (Công ty TDS), thời gian kiểm tra 05 ngày làm việc từ ngày 14/12/2015 đến ngày 19/12/2015. Tuy nhiên, khi Ban kiểm soát kiểm tra thì ông K không hợp tác, không có Ban kiểm soát và công ty tư vấn được thực hiện công việc theo quy định pháp luật. Tính đến ngày khởi kiện đã hơn 20 ngày kể từ khi ra quyết định nhưng Ban kiểm soát vẫn không thực hiện được việc kiểm tra theo đúng kế hoạch.

Ông H yêu cầu Tòa án buộc ông K chấm dứt hành vi vi phạm, không được cản trở Ban kiểm soát thực hiện quyền kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của Công ty S theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm cùng có nhận định như sau:

Việc Công ty V tham gia cùng Ban kiểm soát Công ty S không có được sự đồng thuận giữa trưởng Ban kiểm soát với Tổng giám đốc Công ty S, giữa các thành viên Hội đồng quản trị về sự chỉ định, phạm vi tham gia của công ty này trong quá trình thực hiện quyết định ngày 07/12/2015.

Việc bà P ký vào thư chào giá nhưng lại không có ủy quyền của người đại diện theo pháp luật Công ty S là không đúng thẩm quyền về xác lập giao dịch, hợp đồng theo quy định của pháp luật. Người đại diện theo pháp luật của Công ty S có biết sự việc này và phản đối. Cho nên, theo thỏa thuận hợp đồng dịch vụ này chưa phát sinh hiệu lực.

Ngày 14 và ngày 15/12/2015, Công ty V cùng Ban kiểm soát Công ty S thực hiện công việc theo phạm vi dịch vụ của thư chào giá là không có cơ sở pháp lý. Biên bản làm việc của Ban kiểm soát ngày 15/12/2015 được lập bằng tiếng Việt có ghi tên thành phần dự họp. Ngoài thành viên của Ban kiểm soát, còn có tên ông K nhưng không ghi phiên dịch cho ông K và cũng không có chữ ký của ông K hay việc đã dịch cho ông K mà ông K không đồng ý ký tên nên trong trường hợp này việc lập biên bản cũng như vi bằng chưa đầy đủ, sẽ không đảm bảo được tính xác thực.

Việc ông K phản đối Công ty V cùng tham gia với Ban kiểm soát để kiểm tra hoạt động của Công ty S là do bà P đang làm việc cho Công ty V, có lợi ích liên quan, sẽ không đảm bảo tính vô tư và khách quan. Ngoài ra, Ban kiểm soát cũng không làm rõ được với ông K về những phạm vi tham gia của Công ty V. Cho nên, hành vi của ông K không phải là hành vi cản trở hoạt động của Ban kiểm soát Công ty S.

Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử xét thấy không có căn cứ xác định ông K đã có hành vi vi phạm, cản trở Ban kiểm soát Công ty S thực hiện quyền kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều 123 Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty S. Việc ông K phản đối Ban kiểm soát về cách thức Ban kiểm soát thực hiện trách nhiệm quyền hạn của mình là có lý do chính đáng, không coi là hành vi cản trở Ban kiểm soát thực hiện trách nhiệm của Ban kiểm soát. Do vậy, yêu cầu ông H không có cơ sở để chấp nhận.

1. Bà P có được nhân danh Công ty S ký vào thư chào giá cho Công ty V hay không?

2. Nếu hợp đồng dịch vụ giữa Công ty S và Công ty V được dự định xác lập thì hợp đồng này có cần đưa ra Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận hay không?

3. Bà P và các thành viên Ban kiểm soát khác của Công ty S có được làm việc tại các doanh nghiệp khác hay không?

Ban biên tập
24-07-2020

Thứ nhất, đối với sự việc bà P nhân danh Công ty S ký vào thư chào giá cho Công ty V

Trong công ty cổ phần (CP), phụ thuộc vào vị trí và vai trò pháp lý trong cơ cấu tổ chức quản lý mà các cơ quan, chức danh có những thẩm quyền nhất định. Tuy nhiên, thẩm quyền này chỉ giới hạn trong các quan hệ quản lý nội bộ của công ty. Trong đó, Ban kiểm soát thực hiện 2 chức năng quan trọng: (i) Giám sát công việc quản lý và điều hành công ty bởi Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc và các chức danh quản lý khác; (ii) Thẩm định, rà soát và xem xét các loại báo cáo, giấy tờ bắt buộc của công ty.[1] Người đứng đầu Ban kiểm soát là Trưởng Ban kiểm soát, sẽ chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch công tác hằng tháng, hằng quý và hằng năm của Ban kiểm soát; phân công nhiệm vụ và công việc cụ thể cho từng thành viên.[2]

Đối với các quan hệ giữa công ty CP với bên ngoài (bên thứ ba và Nhà nước) thì chủ thể có thẩm quyền đại diện công ty là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Hay nói cách khác, người đại diện theo pháp luật của công ty CP mới là người đại diện cho công ty xác lập, thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Bà P nhân danh Công ty S ký văn bản đề nghị chào giá giữa Công ty S với Công ty V. Tuy nhiên, thư chào giá phải do người đại diện theo pháp luật của Công ty S ký. Do đó, bà P không có thẩm quyền, trừ khi được người đại diện theo pháp luật của Công ty S ủy quyền cho bà.

Vì vậy, có thể thấy rằng, hội đồng xét xử cấp sơ thẩm và phúc thẩm cùng nhận định bà P không có thẩm quyền là hoàn toàn chính xác.

Thứ hai, vấn đề hợp đồng dịch vụ giữa Công ty S và Công ty V

Nhằm phòng ngừa các nguy cơ tư lợi từ những giao dịch, hợp đồng được xác lập giữa công ty CP với chủ thể có liên quan, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã thiết lập cơ chế kiểm soát đối với các giao dịch, hợp đồng này. Theo đó, giao dịch, hợp đồng giữa công ty CP với các chủ thể sau đây phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận:

(i) Cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 10% tổng số CP phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ;

(ii) Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người có liên quan của họ;

(iii) Doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 159 của Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Các doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 là các doanh nghiệp mà thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty phải kê khai doanh nghiệp có lợi ích liên quan của họ với công ty, bao gồm:

(i) Doanh nghiệp mà họ có sở hữu phần vốn góp hoặc CP;

(ii) Doanh nghiệp mà những người có liên quan của họ cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng phần vốn góp hoặc CP trên 10% vốn điều lệ.

Đối với trường hợp liên quan đến thành viên Ban kiểm soát, Luật Doanh nghiệp năm 2014 chỉ đặt ra vấn đề kiểm soát giao dịch giữa công ty với các doanh nghiệp thuộc một trong hai trường hợp: Thứ nhất, doanh nghiệp mà thành viên Ban kiểm soát có sở hữu phần vốn góp hoặc CP; Thứ hai, doanh nghiệp mà những người có liên quan của thành viên Ban kiểm soát cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng phần vốn góp hoặc CP trên 10% vốn điều lệ.

Tùy thuộc vào giá trị giao dịch, hợp đồng và quy định cụ thể của Điều lệ công ty mà chủ thể có thẩm quyền chấp thuận là Đại hội đồng cổ đông hay là Hội đồng quản trị. Về hậu quả pháp lý, nếu những giao dịch, hợp đồng trên được chưa được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị Hợp đồng chấp thuận, gây thiệt hại cho công ty thì giao dịch, hợp đồng bị vô hiệu. Người ký kết hợp đồng, cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có liên quan phải liên đới bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó.[3]

Trong vụ việc này, căn cứ vào Luật Doanh nghiệp năm 2014, nếu hợp đồng tư vấn giữa Công ty S và Công ty V được xác lập thì hợp đồng này không cần phải được sự chấp nhận của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị Công ty S. Bởi, bà P (Trưởng ban kiểm soát) chỉ là người lao động làm việc tại Công ty V, không phải là người có sở hữu vốn góp trong Công ty V.

Thứ ba, việc Bà P và các thành viên Ban kiểm soát khác của Công ty S làm việc cho các doanh nghiệp khác

Theo Điều 163 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, Ban kiểm soát có từ 03 đến 05 thành viên, nhiệm kỳ của Kiểm soát viên không quá 05 năm và Kiểm soát viên có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Các Kiểm soát viên bầu một người trong số họ làm Trưởng Ban kiểm soát theo nguyên tắc đa số. Quyền và nghĩa vụ của Trưởng Ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định. Ban kiểm soát phải có hơn một nửa số thành viên thường trú ở Việt Nam. Trưởng Ban kiểm soát phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp và phải làm việc chuyên trách tại công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tiêu chuẩn khác cao hơn.

Kiểm soát viên phải có tiêu chuẩn và điều kiện sau: (i) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014; (ii) Không phải là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác; (iii) Không được giữ các chức vụ quản lý công ty; không nhất thiết phải là cổ đông hoặc người lao động của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác; (iv) Các tiêu chuẩn và điều kiện khác theo quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều lệ công ty.[4]

Vấn đề đặt ra là thành viên Ban kiểm soát của Công ty S có được làm việc ở các doanh nghiệp khác hay không?

Đối với trường hợp của bà P thì Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định bà P phải làm việc chuyên trách tại Công ty S. Tuy nhiên, như thế nào là làm việc chuyên trách thì Luật Doanh nghiệp năm 2014 không làm rõ. Theo từ điển tiếng Việt, chuyên trách là chuyên làm và chịu trách nhiệm về một công tác nào đó.[5] Với vị trí của Trưởng Ban kiểm soát trong công ty CP, “chuyên trách” tức là buộc Trưởng ban kiểm soát phải làm trọn vẹn chức trách “kiểm soát” của mình, mà không được kiêm nhiệm các chức danh quản lý. Vì vậy, trong Công ty S, bà P sẽ không được kiêm nhiệm các chức danh quản lý điều hành của công ty này. Còn vấn đề bà P làm việc tại Công ty V, nếu Điều lệ công ty S không cấm thì bà P (Trưởng ban kiểm soát) được làm việc cho Công ty V, mà không bị coi là vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Hai thành viên Ban kiểm soát còn lại là bà G và bà V, hiện cũng đang làm việc tại các doanh nghiệp khác. Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng không cấm trường hợp này. Tuy nhiên, Luật vẫn ghi nhận trường hợp “Các tiêu chuẩn và điều kiện khác theo quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều lệ công ty” (Điểm d khoản 1 Điều 164). Cho nên, tùy thuộc vào nhu cầu và đòi hỏi trong quản trị công ty, Điều lệ công ty có thể đặt ra các điều kiện, tiêu chuẩn khác, kể cả điều kiện là Kiểm soát viên không được làm việc cho các doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, trong vụ việc này, các tình tiết cho thấy Điều lệ Công ty S không đặt ra điều kiện không được làm việc tại các doanh nghiệp khác. Cho nên, các thành viên Ban kiểm soát của Công ty S có thể làm việc tại các doanh nghiệp khác.


[5] Viện ngôn ngữ học (2003), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, tr. 187.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận