Thẩm quyền triệu tập họp Hội đồng thành viên và điều kiện thông qua quyết định của Hội đồng thành viên công ty hợp danh về dự án đầu tư? Điều kiện để thành viên hợp danh được chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người khác là gì?
247 lượt xem
Công ty hợp danh (HD) Tín Nghĩa được thành
lập vào tháng 02/2016. Sau một khoảng thời gian hoạt động, đến ngày 15/5/2017,
công ty còn tất cả là 05 thành viên hợp danh, bao gồm ông Cường, ông Bình,
ông Hưng, bà Hoa và ông Lộc. Trong đó, ông Bình là Chủ tịch Hội đồng thành
viên, kiêm Giám đốc công ty. Quá trình hoạt động, công ty đã xảy ra các sự kiện
quan trọng sau:
- Ngày 25/8/2017, ông Bình với tư cách
là Chủ tịch Hội đồng thành đã triệu tập họp Hội đồng thành viên
để quyết định một dự án đầu tư của công ty. Phiên họp được triệu
tập hợp lệ với sự tham dự của tất cả các thành viên. Khi biểu
quyết thông qua quyết định dự án đầu tư của công ty thì chỉ ông Cường,
ông Bình, ông Hưng và bà Hoa bỏ phiếu chấp thuận thông qua dự án đầu tư,
còn ông Lộc bỏ phiếu không chấp thuận.
- Ngay sau đó một tháng, vì có nhiều mâu
thuẫn với các thành viên, ông Lộc đã triệu tập họp Hội đồng thành viên công ty
để Hội đồng chấp thuận việc ông chuyển nhượng hết phần vốn góp của mình cho
người khác. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng ông Lộc không có quyền đứng ra triệu
tập họp Hội đồng thành viên bởi ông Lộc không phải là Chủ tịch Hội đồng thành
viên. Mặt khác, việc ông Lộc chuyển nhượng phần vốn góp cho người khác thì bắt
buộc phải được sự đồng ý của từng thành viên HD trong công ty, chứ không phải
là vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên. Cho nên, ông Lộc đã không
triệu tập được cuộc họp Hội đồng thành viên như ý mình.
- Ngày 16/9/2018, Công ty HD Tín Nghĩa bị
Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản. Vì tài sản công ty không đủ để thanh
toán hết các khoản nợ, cho nên các thành viên hợp danh đã yêu cầu ông Phúc
(là một thành viên hợp danh bị công ty khai trừ vào ngày 02/3/2017) phải
liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ còn lại của công ty.
1. Với mức 4/5 tổng số thành viên hợp danh
chấp thuận thì quyết định của Hội đồng thành viên về dự án đầu tư có được thông
qua hay không?
2. Ông Lộc có quyền triệu tập họp Hội đồng
thành viên hay không?
3. Điều kiện để ông Lộc được chuyển nhượng
phần vốn góp của mình cho người khác là gì?
Sau khi bị khai trừ khỏi Công ty HD Tín
Nghĩa thì ông Phúc có phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công
ty hay không?
Ban biên tập
17-07-2020
Thứ nhất, vấn đề thông qua quyết định dự án đầu tư của Công ty HD Tín Nghĩa:
Công ty HD là công ty mang tính “đối nhân”. Vì vậy, việc thông qua quyết định của Hội đồng thành viên được dựa trên số thành viên chấp thuận, chứ không dựa trên vốn góp như mô hình công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Theo khoản 3 Điều 177 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, nếu Điều lệ công ty không quy định thì quyết định dự án đầu tư phải được ít nhất 3/4 tổng số thành viên hợp danh chấp thuận. Như vậy, để xác định quyết định về dự án đầu tư của Công ty HD Tín Nghĩa có được Hội đồng thành viên thông qua hay không thì phải xem xét cả quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 lẫn Điều lệ của công ty này, cụ thể:
(i) Nếu Điều lệ Công ty HD Tín Nghĩa có quy định khác Luật Doanh nghiệp năm 2014: trường hợp này sẽ có hai khả năng xảy ra: (i) Mức 4/5 tổng số thành viên hợp danh chấp thuận đáp ứng quy định của Điều lệ thì dự án được thông qua; (ii) Mức 4/5 tổng số thành viên hợp danh chấp thuận không đáp ứng quy định của Điều lệ thì dự án không được thông qua.
(ii) Nếu Điều lệ Công ty HD Tín Nghĩa không quy định khác với Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì dự án đầu tư được thông qua, bởi vì mức 4/5 tổng số thành viên hợp danh chấp thuận đã thỏa mãn điều kiện thông qua quyết định theo khoản 3 Điều 177 của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Như vậy, dự án đầu tư của Công ty HD Tín Nghĩa có được thông qua hay không thì cần phải xem xét Điều lệ công ty có quy định một điều kiện cao hơn so với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 hay không. Chẳng hạn, nếu Điều lệ quy định dự án đầu tư phải được tất cả các thành viên hợp danh chấp thuận thì việc ông Lộc bỏ phiếu không chấp thuận sẽ là yếu tố làm cho quyết định trên không được thông qua.
Thứ hai, vấn đề triệu tập họp Hội đồng thành viên của ông Lộc:
Quyền triệu tập họp Hội đồng thành viên công ty HD được trao cho 02 đối tượng sau:[1]
(i) Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể triệu tập họp Hội đồng thành viên khi xét thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của thành viên HD.
(ii) Thành viên HD có quyền yêu cầu Chủ tịch triệu tập họp Hội đồng thành viên để thảo luận và quyết định công việc kinh doanh của công ty. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng thành viên không triệu tập họp theo yêu cầu của thành viên HD thì thành viên đó được triệu tập họp Hội đồng thành viên. Việc Luật ghi nhận quyền triệu tập Hội đồng thành viên của thành viên HD sẽ tránh tình trạng Chủ tịch Hội đồng thành viên trì hoãn việc triệu tập cuộc họp do có hành vi sai trái khi quản lý điều hành công ty hoặc có hành vi tư lợi khi tiến hành hoạt động kinh doanh của công ty.
Trong tình huống này, ông Lộc với tư cách là thành viên HD sẽ không có quyền “đương nhiên” để triệu tập họp Hội đồng thành viên. Theo đó, ông Lộc chỉ được triệu tập họp Hội đồng thành viên khi ông đã gửi yêu cầu triệu tập họp cho ông Bình, cũng như phải chuẩn bị nội dung, chương trình và tài liệu cho cuộc họp. Đương nhiên, trường hợp ông Bình không triệu tập thì ông Lộc mới được tự mình đứng ra triệu tập họp Hội đồng thành viên.
Thứ ba, điều kiện để ông Lộc được chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người khác:
Phần vốn góp là một loại tài sản thuộc sở hữu của thành viên công ty HD. Về nguyên tắc, thành viên HD có quyền định đoạt phần vốn góp của mình. Tuy nhiên, không giống như các loại tài sản khác, phần vốn góp bao gồm hai yếu tố: giá trị tài sản (giá trị được bằng tiền) và tư cách thành viên. Với tư cách là công ty mang tính đối nhân, mức độ liên kết giữa thành viên với công ty và giữa các thành viên với nhau trở nên chặt chẽ. Bởi vì, nhân thân của các thành viên HD chính là yếu tố dẫn đến sự ra đời, tồn tại và phát triển của công ty HD. Việc thoái vốn khỏi công ty thông qua chuyển nhượng phần vốn góp sẽ làm chấm dứt mối liên kết chặt chẽ đó. Chính vì vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định rất “khắt khe” về điều kiện để thành viên HD được chuyển nhượng phần vốn góp cho người khác. Cụ thể, thành viên HD không được quyền chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.[2]
Cho nên, ông Lộc muốn chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người khác thì điều kiện đặt ra là ông phải được tất cả các thành viên còn lại trong Công ty HD Tín Nghĩa chấp thuận. Việc ông Lộc triệu tập họp Hội đồng chấp nhận để Hội đồng xem xét và thông qua quyết định để ông chuyển nhượng hết phần vốn góp của mình cho người khác là không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Hay nói cách khác, vấn đề xem xét cho thành viên HD chuyển nhượng phần vốn góp cho người khác không thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên (với tư cách là cơ quan trong cơ cấu tổ chức quản lý của công ty), mà thuộc quyền chấp nhận của tất cả các thành viên HD.
Thứ tư, trách nhiệm liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của Công ty HD Tín Nghĩa của ông Phúc:
Theo khoản 3 Điều 175 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, thành viên HD có thể bị khai trừ nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
(i) Không có khả năng góp vốn hoặc không góp vốn như đã cam kết sau khi công ty đã có yêu cầu lần thứ hai;
(ii) Vi phạm quy định về hạn chế quyền đối với thành viên HD theo Điều 175 của Luật Doanh nghiệp năm 2014;
(iii) Tiến hành công việc kinh doanh không trung thực, không cẩn trọng hoặc có hành vi không thích hợp khác gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của công ty và các thành viên khác;
(iv) Không thực hiện đúng các nghĩa vụ của thành viên HD.
Đồng thời, trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên HD do bị khai trừ khỏi công ty thì người đó vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty đã phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên.[3] Việc ràng buộc trách nhiệm như vậy để phòng ngừa việc thành viên HD thoái thác, trốn tránh nghĩa vụ đối với các khoản nợ của công ty và hạn chế tình trạng thành viên HD cố tình vi phạm để rút khỏi công ty. Đây cũng là vấn đề lớn đáng lưu tâm khi nhà đầu tư quyết định làm thành viên công ty HD.
Trong vụ việc trên, ông Phúc có phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty hay không thì cần phải xem xét 02 vấn đề:
Một là, về khoảng thời gian phải liên đới chịu trách nhiệm:
Thời điểm ông Phúc bị khai trừ khỏi công ty là ngày 02/3/2017 và thời điểm phát sinh trách nhiệm thanh toán nợ của công ty là ngày 16/9/2018. Như vậy, thời điểm chấm dứt tư cách thành viên đến thời điểm phát sinh nghĩa vụ liên đới vẫn nằm trong khoảng thời gian 02 năm theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Hai là, về khoản nợ phải liên đới chịu trách nhiệm: Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, ông Phúc chỉ có trách nhiệm liên đới đối với các khoản nợ của công ty đã phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên, tức là trước ngày 02/3/2017; còn khoản nợ phát sinh sau ngày 02/3/2017 thì ông Phúc không có trách nhiệm phải liên đới thanh toán.
Như vậy, trong trường hợp này, yêu cầu của các thành viên HD Công ty HD Tín Nghĩa chỉ phù hợp đối với các khoản nợ phát sinh trước ngày ông Phúc bị khai trừ khỏi công ty. Tất nhiên, để xác định được chính xác các khoản nợ này thì các bên phải xem xét dựa trên hồ sơ kế toán, báo cáo tài chính, chứng từ kinh doanh và văn bản thỏa thuận nội bộ khác của công ty…
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.