Thẩm quyền của công an nhân dân trong xử phạt hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường?

299 lượt xem
Xin hỏi: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được quy định như thế nào?
Ban biên tập
07-07-2020

Theo quy định tại Điều 49 Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân được quy định như sau:

1. Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng,

2. Trạm trưởng, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.500.000 đồng.

3. Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 2.500.000 đồng;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại các điểm a, c và đ khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

4. Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát môi trường và Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 25.000.000 đồng;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại các điểm a, c, đ, i, k, l và m khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

5. Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại các điểm a, c, đ, h, i, k, l và m khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

6. Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại các điểm a, c, đ, h, i, k, l và m khoản 3 Điều 4 Nghị định này

Lưu ý:

Đây là thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân.

Trường hợp phạt tăng thêm đối với các thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật của cùng mẫu chất thải, thẩm quyền xử phạt được tính theo hành vi vi phạm có mức phạt tiền cao nhất của mẫu chất thải đó.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận