Tại sao mô hình công ty hợp danh không phổ biến tại Việt Nam?

302 lượt xem
Tại sao nhà đầu tư ít lựa chọn công ty hợp danh để gia nhập thị trường Việt Nam? 
Ban biên tập
17-07-2020

Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư trong nhiều năm trở lại đây, công ty hợp danh (HD) không phải là loại hình doanh nghiệp được ưa chuộng ở Việt Nam. Theo đó, số lượng các công ty HD được nhà đầu tư thành lập hàng năm rất hạn chế so với các loại hình doanh nghiệp khác (“bằng số lẻ” của các loại hình doanh nghiệp khác). Chẳng hạn, trong 4 tháng đầu năm 2017, có tới 31768 công ty trách nhiệm hữu hạn, 6683 công ty cổ phần và 1125 doanh nghiệp tư nhân được thành lâp, trong khi đó chỉ có 4 công ty HD được thành lập; trong 4 tháng đầu năm 2018, có tới 33826 công ty trách nhiệm hữu, 6872 công ty cổ phần và 592 doanh nghiệp tư nhân được thành lập, trong khi đó chỉ có 5 công ty HD được thành lập.[1]

Việc lý giải nguyên nhân mô hình công ty HD không được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam có lẽ sẽ không trọn vẹn và thuyết phục trong nhiều trường hợp. Bởi vì, việc nhà đầu tư lựa chọn một loại hình doanh nghiệp sẽ xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, phụ thuộc nhu cầu, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của nhà đầu tư đó.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ lợi ích, nhà đầu tư sẽ “ngần ngại” với mô hình công ty HD bởi các lý do quan trọng sau: (i) Thành viên HD phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải số nợ của công ty;[2] (ii) Khả năng thoái vốn khỏi công ty HD của thành viên HD vô cùng khó khăn, bởi thành viên HD không được quyền chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên HD còn lại; hoặc chỉ được rút vốn khỏi công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận;[3] (iii) Cơ chế kiểm soát, giám sát quyền lực của thành viên HD rất khó khăn. Các thành viên HD là người quản lý, có quyền đại diện theo pháp luật và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty.[4] Trong cuộc họp Hội đồng thành viên, mỗi thành viên HD đều có quyền tham dự, thảo luận và biểu quyết. Luật Doanh nghiệp chỉ quy định những nguyên tắc chung mà không điều chỉnh chi tiết. Cho nên, việc kiểm soát quyền lực của thành viên HD sẽ khó khăn, phụ thuộc vào các thỏa thuận nội bộ và niềm tin về nhân thân của các thành viên HD với nhau.

 


[1] Cục Quản lý đăng ký kinh doanh(2018), Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2018, https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/598/4364/tinh-hinh-dang-ky-doanh-nghiep-thang-4-va-4-thang-dau-nam-2018.aspx, truy cập ngày 12/01/2020.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận