Quyền thế chấp quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trong nước so với chủ thể sử dụng đất khác?
392 lượt xem
Quyền thế chấp quyền sử dụng đất của hộ gia
đình, cá nhân trong nước so với quyền này của các chủ thể sử dụng đất khác (như
tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư
ở nước ngoài) có gì giống và khác nhau không?
Ban biên tập
31-08-2020
Căn cứ theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 174; khoản 2, điểm a, b khoản 3, điểm a khoản 4 Điều 176, khoản 1 Điều 177, khoản 1 Điều 178; điểm g khoản 1, điểm a khoản 3 Điều 179; điểm a khoản 2 Điều 180; điểm b khoản 1, điểm d khoản 3, khoản 4 Điều 183; Điều 184; Điều 185; điểm c khoản 2 Điều 186 Luật Đất đai 2013, quyền thế chấp quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trong nước so với quyền này của các chủ thể sử dụng đất khác (như tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài) có những điểm giống và khác nhau như sau:
- Giống nhau:
+ Để có được quyền thế chấp quyền sử dụng đất, các chủ thể này đều có chung hình thức sử dụng đất là giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
+ Các điều kiện để được thực hiện quyền thế chấp quyền sử dụng đất (Điều 188 Luật Đất đai 2013), việc công chứng, chứng thực hợp đồng (khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013), hiệu lực hợp đồng (Điều 503 Bộ Luật Dân sự 2015), trình tự, thủ tục đăng kí thế chấp, xóa đăng kí thế chấp quyền sử dụng đất, xử lý quyền sử dụng đất đã thế chấp để thu hồi nợ (Điều 81 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-05-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai), trình tự, thủ tục đăng kí biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp xử lí hợp đồng thế chấp (Điều 84 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP) đối với các chủ thể này được pháp luật đất đai, dân sự quy định giống nhau.
- Khác nhau:
+ Đối với các chủ thể là tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, để có được quyền thế chấp quyền sử dụng đất thì hình thức sử dụng đất của họ buộc phải là giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Riêng đối với hộ gia đình, cá nhân (trong nước) sử dụng đất, ngoài các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất dưới những hình thức sử dụng đất nêu trên thì hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất dưới hình thức giao đất không thu tiền sử dụng sử dụng đất cũng có quyền thế chấp quyền sử dụng đất (xem khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai 2013).
+ Hộ gia đình, cá nhân được thế chấp quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật (điểm g khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai 2013). Các chủ thể là tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ được thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam (Căn cứ theo điểm d khoản 2 Điều 174, khoản 2, điểm a, b khoản 3, điểm a khoản 4 Điều 176, khoản 1 Điều 177, khoản 1 Điều 178, điểm b khoản 1, điểm d khoản 3, khoản 4 Điều 183; Điều 184; Điều 185; điểm c khoản 2 Điều 186 Luật Đất đai 2013).
+ Mặt khác, cũng theo quy định tại các điều luật nêu trên, khi quy định quyền thế chấp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất, pháp luật đất đai chỉ quy định tài sản thế chấp là “quyền sử dụng đất” đồng thời Bộ Luật Dân sự 2015, tại các điều 325, 326 cũng quy định các trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và trường hợp chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất. Như vậy, đối với hộ gia đình, cá nhân, pháp luật không bắt buộc họ phải thế chấp cả quyền sử dụng đất cùng với tài sản gắn liền với đất (nếu có), trong khi đối với các chủ thể còn lại, pháp luật đất đai luôn quy định việc “thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất” trong cùng một điều khoản. Vì vậy, có quan điểm cho rằng, đối với hộ gia đình, cá nhân, pháp luật không bắt buộc họ phải thế chấp cả quyền sử dụng đất cùng với tài sản gắn liền với đất (nếu có), còn các chủ thể khác “buộc phải thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất”. (Xem Giáo trình Luật Đất đai (Tái bản lần thứ nhất) – Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh – Nhà xuất bản Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam – trang 279).
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.