Quy định về các chi phí được trừ khi tính thuế TNDN và việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro, bồi thường thiệt hại về môi trường

210 lượt xem

Các khoản chi lễ 8/3, 1/6, sinh nhật, sinh con, trung thu cho bản thân và người thân của người lao động có được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp không? Cho hỏi thêm, việc trích lập Quỹ dự phòng rủi ro, bồi thường thiệt hại về môi trường được quy định như thế nào?

Ban biên tập
08-04-2020

1. Về việc tính vào chi phí được trừ các khoản chi lễ 8/3, 1/6, sinh nhật, sinh con, trung thu

- Tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính (sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC) quy định về khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau:

“2.30. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, trừ các khoản chi sau:...

- Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động, chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm; sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.6, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.1.1 Điều này) và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp”.

2. Về việc trích lập Quỹ dự phòng rủi ro, bồi thường thiệt hại về môi trường

- Tại Điều 31 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ hướng dẫn về Luật Bảo vệ môi trường quy định:

“Điều 31. Tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sau đây phải có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật:

a) Hoạt động dầu khí bao gồm hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí, kể cả các hoạt động phục vụ trực tiếp cho các hoạt động này;

b) Sản xuất, kinh doanh hóa chất, xăng dầu;

c) Sử dụng tàu biển chuyên dùng để vận chuyển dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác khi hoạt động trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam;

d) Lưu giữ, vận chuyển và xử lý chế kì thải nguy hại, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.

2. Căn cứ vào loại hình, quy mô, tính chất, địa điểm hoạt động, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan lập danh mục đối tượng phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường quy định mức trách nhiệm tối thiểu đối với từng đối tượng.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro”.

- Ngày 20/6/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 86/2016/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về quỹ dự phòng rủi ro, bồi thường thiệt hại về môi trường.

- Hiện nay, Danh mục đối tượng phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Căn cứ các quy định nêu trên, việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro, bồi thường thiệt hại về môi trường thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ và Thông tư số 86/2016/TT-BTC ngày 20/6/2016 của Bộ Tài chính.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận