Phương thức bầu dồn phiếu

546 lượt xem
Ban biên tập
25-09-2020

Phương thức bầu dồn phiếu được áp dụng lần đầu tiên ở Hoa Kỳ. Phương thức này ra đời với mục đích bảo vệ cho cổ đông nhỏ, đồng thời khuyến khích và tăng cường trách nhiệm của thành viên Hội đồng quản trị.[1] Ở Việt Nam, phương thức bầu dồn phiếu lần đầu tiên được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2005. Phương thức bầu này được xem là có tác dụng cải thiện cơ hội của các cổ đông nhỏ trong nỗ lực đưa được “người của mình” vào Hội đồng quản trị. Phương thức bầu dồn phiếu vốn được áp dụng nhiều trong cơ chế bầu thành viên Hội đồng quản trị ở nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều biến đổi khác nhau.[2]

Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, nếu áp dụng theo nguyên tắc bỏ phiếu thông thường, với ưu thế về số phiếu biểu quyết thì các cổ đông lớn sẽ chi phối việc lựa chọn “người của mình” vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Cho nên, khi áp dụng phương thức bầu dồn phiếu thì các các đông nhỏ sẽ có cơ hội liên kết lại để dồn số phiếu bầu của mình cho ứng viên mà họ tin tưởng.

Theo khoản 3 Điều 144 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì phương thức bầu dồn phiếu được áp dụng như sau:

- Về trường hợp áp dụng phương thức bầu dồn phiếu: Bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

- Về tính bắt buộc của phương thức bầu dồn phiếu: Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác, việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu. Như vậy, việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát sẽ không bắt buộc theo phương thức bầu dồn phiếu nếu Điều lệ công ty quy định phương thức bầu khác.

- Về cách thức xác định phiếu bầu của cổ đông: Mỗi cổ đông có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tổng số cổ phần sở hữu nhân với số thành viên được bầu của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát và cổ đông có quyền dồn hết hoặc một phần tổng số phiếu bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên.

- Về cách thức tiến hành: Người trúng cử thành viên Hội đồng quản trị hoặc Kiểm soát viên được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất cho đến khi đủ số thành viên quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp có từ 02 ứng cử viên trở lên đạt cùng số phiếu bầu như nhau cho thành viên cuối cùng của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát thì sẽ tiến hành bầu lại trong số các ứng cử viên có số phiếu bầu ngang nhau hoặc lựa chọn theo tiêu chí quy chế bầu cử hoặc Điều lệ công ty.



[1] Bùi Xuân Hải (2011), Luật Doanh nghiệp: Bảo vệ cổ đông - Pháp luật và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 266.

[2] Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh (2016), Giáo trình pháp luật về chủ thể kinh doanh, Bùi Xuân Hải (Chủ biên), Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, tr. 294.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận