Phân biệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và tiền thuế tài nguyên?

546 lượt xem
Xin hỏi: Công ty tôi đã nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhưng lại được yêu cầu nộp thêm tiền thuế khai thác tài nguyên nước. Xin hỏi 2 loại tiền này là giống nhau hay khác nhau? Có bắt buộc phải nộp cả 2 loại tiền này không hay chỉ nộp 1 trong 2 loại?
Ban biên tập
08-07-2020

Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và thuế tài nguyên nước là 2 loại tiền khác nhau.

Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là loại tiền được trả dựa trên nguyên tắc người được hưởng lợi từ việc khai thác thành phần môi trường thì phải trả tiền. Nước là loại tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu nên người khai thác, sử dụng tài sản của Nhà nước cần phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước để bảo đảm công bằng trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên.

Hiện nay, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước quy định trong Luật Tài nguyên nước Nghị định số 82/2017/NĐ-CP, được thu trong các trường hợp: khai thác nước mặt (khai thác nước mặt để phát điện; khai thác nước mặt để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi); khai thác nước dưới đất (để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi; khai thác nước dưới đất (trừ nước lợ, nước mặn) để nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, tưới cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác với quy mô từ 20 m3/ngày đêm trở lên)

Còn thuế tài nguyên hiện đang được điều chỉnh bởi Luật thuế tài nguyên năm 2009, theo đó các cá nhân, tổ chức khai thác các loại tài nguyên như khoáng sản, dầu thô, khí thiên nhiên… trong đó có nước thiên nhiên thì phải nộp thuế tài nguyên.

Do đó, 2 loại tiền này là khác nhau và trong trường hợp khai thác tài nguyên nước thì phải nộp cả 2 loại tiền này.  

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận