NSDLĐ có được giữ tiền bảo hiểm chế độ thai sản của lao động nữ hay không? NLĐ cần gửi đơn đến cơ quan nào để được hỗ trợ khi có sự xâm phạm lợi ích về BHXH của chính mình?

186 lượt xem
Chị Nguyễn Thị Minh H làm việc tại Công ty TNHH K.P (“Công ty KP”) từ ngày 10/12/2019. Tại thời điểm bắt đầu làm việc, chị H đã mang thai được 03 tháng.

Sau khi làm việc và tham gia đóng bảo hiểm xã hội được 06 tháng thì chị H sinh con. Do con của chị H bị suy dinh dưỡng và thường xuyên ốm đau cho nên chị H không thể đi làm việc bình thường. Sau 08 tháng kể từ ngày sinh con, chị H vẫn chưa nhận được tiền thai sản.

Đầu tháng 8/2020, chị H có gọi điện thoại đến Công ty KP yêu cầu Công ty này trả tiền chế độ thai sản. Tuy nhiên, Công ty KP vẫn không chi trả. Chị H còn được nhân viên phòng hành chính giải thích rằng, trường hợp của chị đóng bảo hiểm xã hội vừa đủ 06 tháng thì sinh con, chị H có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm xã hội; Công ty rất dễ bị thanh tra. Nhiều trường hợp bị truy thu lại tiền thai sản. Vì vậy, Công ty phải giữ lại tiền thai sản.

1. Công ty KP giữ tiền thai sản của chị H là đúng hay không?

2. Chị H cần gửi đơn đến cơ quan nào để được hỗ trợ, buộc Công ty KP phải trả lại tiền thai sản cho chị?

3. Công ty KP bị xử phạt như thế nào đối với hành vi giữ tiền thai sản của chị H?

Ban biên tập
19-01-2021

1. Công ty TNHH K.P giữ tiền thai sản của chị H là đúng hay không?

Việc công ty giữ tiền thai sản của chị H là không đúng quy định của pháp luật. Bởi lẽ theo quy định của pháp Luật Bảo hiểm xã hội 2014 hiện hành thì quyền của người lao động là “Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời” điều kiện để được hưởng chế độ thai sản được quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau: “1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi...”

Căn cứ theo quy định này, nếu chị H đóng đủ BHXH 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh thì chị H sẽ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản. Và theo quy định của pháp luật, đây là quyền lợi của người lao động. Do vậy, nếu cơ quan BHXH đã giải quyết chế độ thai sản cho bạn nhưng công ty vẫn giữ lại tiền BHXH mà không trả cho chị H là không phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Chị H cần gửi đơn đến cơ quan nào để được hỗ trợ, buộc Công ty TNHH K.P phải trả lại tiền thai sản cho chị?

Theo nguyên tắc của khiếu nại thì chị H cần gửi đơn khiếu nại đến Giám đốc công ty để công ty tự xem xét, sửa chữa hành vi sai phạm của mình; hoặc khiếu nại trực tiếp đến phòng lao động - thương binh và xã hội theo Khoản 1 Điều 118 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

“1. Người lao động, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và những người khác có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”

Nếu đơn khiếu nại của chị H không được giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng, thì chị H có thể khởi kiện trực tiếp ra Tòa án theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019:

“1. Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.”

Như vậy chị có thể khởi kiện tại Tòa án hoặc thực hiện việc khiếu nại để buộc Công ty KP trả tiền thai sản cho chị. 

3. Công ty TNHH K.P bị xử phạt như thế nào đối với hành vi giữ tiền thai sản của chị H?

Đối với hành vi giữ tiền thai sản của chị H tức là công ty KP đã có hành vi chiếm dụng tiền hưởng BHXH của chị H do đó việc xử phạt công ty được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định 28/2020/NĐ-CP:

2. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động mà người sử dụng lao động đã chiếm dụng tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi chiếm dụng tiền hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động.”

Ngoài ra còn có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại điểm d khoản 7 Điều 40 Nghị định này: “d) Buộc hoàn trả cho người lao động số tiền hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc đã chiếm dụng của người lao động và lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt”.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận