NLĐ trong thời gian chờ nghỉ hưu có phải đóng tiếp bảo hiểm xã hội hay không nếu giao kết hợp đồng lao động với NSDLĐ mới?

186 lượt xem
Ông Nguyễn Thế D sinh ngày 20/4/1967 và đã đóng bảo hiểm xã hội được 25 năm 3 tháng. Tháng 4/2020, ông D nghỉ việc ở Công ty TNHH K.P, đã được chốt sổ bảo hiểm xã hội và đang chờ đủ tuổi để hưởng chế độ hưu trí.

Sau đó, ngày 4/6/2020, ông D ký hợp đồng lao động 12 tháng với Công ty TNHH M.H. Ông D không muốn tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và muốn trả các khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp vào tiền lương hằng tháng. Tuy nhiên, Công ty TNHH M.H không đồng ý.

1. Ông D có phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không?

2. Trường hợp Công ty TNHH M.H đồng ý trả các khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp vào tiền lương hằng tháng, Công ty có bị xử phạt vi phạm hành chính hay không?

Ban biên tập
19-01-2021

1. Ông D phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Căn cứ quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, khoản 3 Điều 2, khoản 5 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, khoản 2 Điều 38 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng.

Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, trong thời gian chờ đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu hoặc trợ cấp hàng tháng mà người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội thì được tính cộng nối thời gian công tác đã được ghi nhận trong quyết định hoặc giấy chứng nhận chờ đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu hoặc trợ cấp hàng tháng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội sau này để tính hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định.

Đối chiếu các quy định nêu trên, trường hợp công ty nơi ông Nguyễn Thế D làm việc có một lao động nam năm nay 53 tuổi, có 25 năm đóng bảo hiểm xã hội, đã xác nhận sổ bảo hiểm xã hội chờ nghỉ hưu, nhưng sau đó lại tiếp tục giao kết hợp đồng lao động mà thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì công ty nơi ông D làm việc phối hợp với người lao động là ông D để lập hồ sơ đăng ký tham gia và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động để cộng nối với thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội trước đây làm căn cứ tính hưởng bảo hiểm xã hội sau này theo quy định.

2. Trường hợp Công ty TNHH M.H đồng ý trả các khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp vào tiền lương hằng tháng cho ông D, Công ty này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động là ông D có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.

Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Công ty TNHH T.H có trách nhiệm lập hồ sơ để người lao động là ông D được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, ngoài ra Công ty này có trách nhiệm phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động là ông D theo quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Do đó, căn cứ các quy định nêu trên và hành vi của Công ty TNHH M.H đồng ý trả các khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp vào tiền lương hằng tháng cho ông D, xác định đây là hành vi vi phạm trách nhiệm của người sử dụng lao động và là hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, đây cũng là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Do đó, khi xảy ra hành vi trên, căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Công ty TNHH M.H sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận