Những tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

344 lượt xem
Những tranh chấp đất đai nào thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án?
Ban biên tập
08-10-2020

Liên quan đến câu hỏi của bạn, Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong những trường hợp sau:

- Thứ nhất, các tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất (căn cứ theo khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai 2013)

- Thứ hai, các tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 mà đương sự lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp bằng cách khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. (Căn cứ theo qui định tại điểm b khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013).

- Ngoài ra, theo qui định tại khoản 3, khoản 5 Điều 26 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án còn có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong các trường hợp sau:

Điều 26. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

…..

3. Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.

…..

5. Tranh chấp về thừa kế tài sản.”

- Đối với ba trường hợp trên, Tòa án sẽ giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục tố tụng dân sự. Ngoài ra, Tòa án sẽ giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính đối với các tranh chấp đất đai trong trường hợp tranh chấp đó  đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết lần đầu mà đương sự vẫn không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp và lựa chọn cách khởi kiện tại Tòa án nhân dân (căn cứ vào khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai 2013).

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận