Những bất cập & phù hợp về thời điểm chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa tại Việt Nam

243 lượt xem
Những bất cập & phù hợp về thời điểm chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa tại Việt Nam
Ban biên tập
18-10-2021

 

Hiện nay, pháp luật về mua bán hàng hóa tại Việt Nam quy định về thời điểm chuyển rủi ro đối với hàng hóa được nêu rõ từ Điều 57 đến Điều 61 Luật Thương mại 2005,

Theo đó các bên được thỏa thuận về thời điểm chuyển rủi ro đối với hàng hóa. Nếu các bên không có thỏa thuận thì thời điểm chuyển rủi ro đối với hàng hóa được chia thành các trường hợp cụ thể như sau:

Thứ nhất, chuyển rủi ro trong trường hợp có địa điểm giao hàng xác định.

Có địa điểm giao hàng xác định tức là: có địa điểm đã được các bên thỏa thuận và xác định rõ trong hợp đồng mua bán (có địa chỉ cụ thể), trường hợp không thỏa thuận về địa điểm thì xác định theo quy định của pháp luật (cụ thể tại Điều 35 Luật Thương mại 2005).

Việc chuyển rủi ro trong trường hợp này được nêu rõ tại Điều 57 như sau:

“Điều 57. Chuyển rủi ro trong trường hợp có địa điểm giao hàng xác định

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho bên mua tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua khi hàng hoá đã được giao cho bên mua hoặc người được bên mua uỷ quyền đã nhận hàng tại địa điểm đó, kể cả trong trường hợp bên bán được uỷ quyền giữ lại các chứng từ xác lập quyền sở hữu đối với hàng hoá.”

Như vậy, thời điểm chuyển rủi ro là thời điểm hàng hóa đã được giao cho bên mua tại địa điểm đó mà không kể bên mua đã trực tiếp nhận hay chưa hoặc thời điểm hàng hóa được giao và người được bên mua ủy quyền đã nhận hàng tại địa điểm đó. Điều này đảm bảo quyền lợi cho người bán, đồng thời phát sinh trách nhiệm nhận hàng cho người mua.

Thứ hai, chuyển rủi ro trong trường hợp không có địa điểm giao hàng xác định.

Căn cứ Điều 58 Luật Thương mại 2005 quy định như sau:

“Điều 58. Chuyển rủi ro trong trường hợp không có địa điểm giao hàng xác định

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng hoá và bên bán không có nghĩa vụ giao hàng tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua khi hàng hoá đã được giao cho người vận chuyển đầu tiên.”

Như vậy, nếu các bên không có thỏa thuận về địa điểm giao hàng xác định thì “người vận chuyển đầu tiên” được xem là một “địa điểm” để giao và nhận hàng. Theo đó, trường hợp này đã phát sinh thêm chủ thể thứ ba là người vận chuyển, điều này sẽ làm phát sinh thêm nhiều vấn đề pháp lý liên quan ràng buộc giữa ba bên như việc phân định trách nhiệm và bồi thường thiệt hại sẽ là nội dung cần bàn luận. Đây cũng được xem là một bất cập về thời điểm chuyển rủi ro hàng hóa.

Thứ ba, chuyển rủi ro trong trường hợp giao hàng cho người nhận hàng để giao mà không phải là người vận chuyển.

Căn cứ tại Điều 59 Luật Thương mại 2005, như sau:

“Điều 59. Chuyển rủi ro trong trường hợp giao hàng cho người nhận hàng để giao mà không phải là người vận chuyển

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu hàng hoá đang được người nhận hàng để giao nắm giữ mà không phải là người vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Khi bên mua nhận được chứng từ sở hữu hàng hoá;

2. Khi người nhận hàng để giao xác nhận quyền chiếm hữu hàng hoá của bên mua.”

Theo đó, trường hợp này, người nhận hàng để giao ở đây bản chất cũng giống người vận chuyển nhưng xác định rủi ro lại không giống và người này có thể cũng là do hai bên thỏa thuận. Thời điểm chuyển rủi ro được xác định trong hai trường hợp:

TH1: Khi bên mua nhận được chứng từ sở hữu hàng hóa. Tức là, việc giao hàng phải đồng thời với việc giao chứng từ sở hữu hàng hóa cho bên mua.

TH2: Khi người nhận hàng để giao xác nhận quyền chiếm hữu hàng hóa của bên mua. Tức là, người nhận hàng để giao đã nhận được hàng hóa cho bên mua và việc xác nhận do các bên thỏa thuận nhưng phải đảm bảo tính pháp lý.

Thứ tư, chuyển rủi ro trong trường hợp mua bán hàng hóa đang trên đường vận chuyển.

Thông thường đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa là hàng hóa cố định, được xác định ngày, giờ giao hàng, vận chuyển giữa bên mua và bên bán trong hợp đồng. Tuy nhiên, trường hợp này đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa là hàng hóa đang trên đường vận chuyển.

Theo đó, pháp luật quy định việc xác định thời điểm chuyển rủi ro trong trường hợp mua bán hàng hóa đang trên đường vận chuyển tại Điều 60 Luật Thương mại 2005 như sau:

“Điều 60. Chuyển rủi ro trong trường hợp mua bán hàng hoá đang trên đường vận chuyển

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu đối tượng của hợp đồng là hàng hoá đang trên đường vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm giao kết hợp đồng.”

Quy định về thời điểm chuyển rủi ro từ thời điểm giao kết hợp đồng là hợp lý bởi trong quá trình đó, bên bán đang thực hiện nghĩa vụ của mình đối với bên mua, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích cho người mua.

Thứ năm, chuyển rủi ro trong các trường hợp khác.

Quy định tại Điều 61 Luật Thương mại 2005 như sau:

“Điều 61. Chuyển rủi ro trong các trường hợp khác

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, việc chuyển rủi ro trong các trường hợp khác được quy định như sau:

1. Trong trường hợp không được quy định tại các điều 57, 58, 59 và 60 của Luật này thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua, kể từ thời điểm hàng hóa thuộc quyền định đoạt của bên mua và bên mua vi phạm hợp đồng do không nhận hàng;

2. Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá không được chuyển cho bên mua, nếu hàng hoá không được xác định rõ ràng bằng ký mã hiệu, chứng từ vận tải, không được thông báo cho bên mua hoặc không được xác định bằng bất kỳ cách thức nào khác.”

Đây là trường hợp mà pháp luật quy định mở rộng phạm vi áp dụng để bảo vệ được các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa trong mọi tình huống xảy ra trên thực tế.

Theo đó “rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua, kể từ thời điểm hàng hóa thuộc quyền định đoạt của bên mua và bên mua vi phạm hợp đồng do không nhận hàng“. Tức, pháp luật quy định thời điểm chuyển rủi ro là “thuộc quyền định đoạt của bên mua” nếu bên mua đã được chuyển giao luôn quyền sở hữu (có chứng từ sở hữu) nhưng vi phạm hợp đồng do không nhận hàng. Điều này vừa đảm bảo quyền lợi cho bên bán (tránh trường hợp bên mua không nhận hàng), vừa đảm bảo quyền lợi cho bên mua (tránh trường hợp bên bán vận chuyển chưa đến nơi bên mua).

Đồng thời, pháp luật còn quy định bên mua sẽ không phải chịu rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa nếu hàng hóa không được xác định rõ ràng bằng ký mã hiệu, chứng từ vận tải, không được thông báo cho bên mua hoặc không được xác định bằng bất kỳ cách thức nào khác.

Nhìn chung, quy định của pháp luật chỉ mang tính định khung, quan trọng nhất là pháp luật luôn luôn tôn trọng ý chí của các bên, mọi sự thỏa thuận của thương nhân đều được đặt lên hàng đầu, do đó, điều khoản "thỏa thuận" về thời điểm chuyển rủi ro trong mua bán hàng hóa được pháp luật ưu tiên và đây được xem là một điểm phù hợp nhất mà pháp luật Việt Nam hiện hành quy định dành cho các thương nhân trong quan hệ mua bán hàng hóa. 

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận