Nghĩa vụ tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
224 lượt xem
Người lao động đi làm
việc ở nước ngoài có phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc?
Ban biên tập
15-01-2021
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động là công dân Việt Nam phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật bao gồm:
“a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
…
g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
…
i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn”.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được áp dụng đối với các hợp đồng sau:
“a) Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
b) Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
c) Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề;
d) Hợp đồng cá nhân”.
Bên cạnh đó, tại khoản 7 Điều 45 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng quy định nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài: “Tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam và các hình thức bảo hiểm theo quy định của nước tiếp nhận người lao động”.
Hiện nay, hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua doanh nghiệp hoạt động dịch vụ thường được gọi là “đi xuất khẩu lao động”; và hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo dạng thực tập nâng cao tay nghề thường được gọi là “đi tu nghiệp sinh”.
Như vậy, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (đi xuất khẩu lao động; đi tu nghiệp sinh; hoặc hình thức khác) phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định pháp luật Việt Nam.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.