Người lao động bị cho thôi việc do Covid-19 được nhận các khoản trợ cấp nào?
255 lượt xem
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề kéo theo nhiều người lao động cũng bị mất việc. Cho hỏi người lao động bị mất việc vì lý do dịch bệnh Covid-19 có được nhận khoản trợ cấp nào không?
Ban biên tập
29-07-2021
1. Đối với người lao động (NLĐ) có hợp đồng lao động (HĐLĐ)
(1) Khoản trợ cấp mất việc hoặc trợ cấp thôi việc:
Trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, tùy vào lý do người sử dụng lao động (NSDLĐ) thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hay cho NLĐ thôi việc là gì mà NLĐ sẽ được nhận trợ cấp mất việc hay trợ cấp thôi việc.
- Trường hợp người lao động bị doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao đồng vì lý do dịch bệnh COVID-19 mà doanh nghiệp đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc theo quy định tại điểm c Khoản 1, Khoản 2 Điều 36 Bộ luật lao động 2019 thì người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 Bộ Luật lao động 2019.
- Trường hợp người lao động bị doanh nghiệp cho thôi việc vì một trong các lý do sau đây thì được trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 47 Bộ luật lao động 2019:
(i) Phải thay đổi cơ cấu, công nghệ không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho NLĐ thôi việc theo Khoản 1 Điều 42 Bộ Luật lao động 2019;
(ii) Vì lý do kinh tế không thể giải quyết được việc làm mà phải cho NLĐ thôi việc theo Khoản 2 Điều 42 Bộ Luật lao động 2019;
(iii) Sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp nhưng không sử dụng hết số lao động hiện có mà phải cho người lao động thôi việc theo Điều 43 Bộ Luật lao động 2019.
Lưu ý: Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
(2) Khoản trợ cấp thất nghiệp (TCTN):
Căn cứ Điều 49 Luật Việc làm 2013 thì trường hợp NLĐ bị mất việc và đã có thời gian đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ đối với HĐLĐ xác định thời hạn, không xác định thời hạn; hoặc đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ đối với HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng thì có thể nộp hồ sơ hưởng TCTN cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận TCTN để được giải quyết hưởng TCTN.
2. Đối với NLĐ không có giao kết HĐLĐ (còn được gọi là lao động tự do)
NLĐ làm việc không có giao kết HĐLĐ khi nghỉ việc không được nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc cũng như TCTN.
Trong trường hợp này, người lao động sẽ được Nhà nước hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021. Cụ thể, căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.