Người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH 1TV do cá nhân làm chủ sở hữu

408 lượt xem
Ai là người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu?
Ban biên tập
22-07-2020

Luật Doanh nghiệp năm 2014 không quy định cụ thể ai là người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu. Vì vậy, việc xác định ai là người đại diện theo pháp luật sẽ được xem xét dựa trên Điều lệ công ty, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các văn bản có liên quan khác. 

Như vậy, đối với doanh nghiệp tư nhân thì người đại diện theo pháp luật luôn là chủ sở hữu doanh nghiệp, còn đối với công ty TNHN một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu thì không bắt buộc. doanh nghiệp tư nhân là một loại hình doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân, không có tài sản và không có sự tách bạch giữa chủ sở hữu với doanh nghiệp về tài sản lẫn trách nhiệm pháp lý. Theo đó, chủ doanh nghiệp tư nhân tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp; là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp. Hay nói cách khác, doanh nghiệp tư nhân gắn chặt với tư cách của chủ sở hữu, kể cả quan hệ đại diện theo pháp luật. Ngược lại, mặc dù công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu cũng là doanh nghiệp một chủ như doanh nghiệp tư nhân, nhưng nó lại có tư cách pháp nhân. Pháp nhân là chủ thể có tư cách pháp lý độc lập với các cá nhân, tổ chức khác, bao gồm cả chủ sở hữu của nó. Do đó, hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật. Người đại diện của pháp nhân có thể không cần phải đồng thời là chủ sở hữu và hoạt động của người này khi nhân danh công ty luôn làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ cho pháp nhân chứ không phát sinh cho chủ sở hữu. Trong lý thuyết quản trị công ty hiện đại, đặc biệt là ở phương Tây, người ta cố gắng tách bạch giữa sở hữu và quản lý, có như vậy thì hoạt động kinh doanh của công ty mới đạt hiệu quả cao.[1]


[1] Tham khảo: Bùi Xuân Hải (2007), Học thuyết về đại diện và mấy vấn đề của pháp luật công ty Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 4 (41).

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận