Khoản tiền công ty hỗ trợ chi trả chữa bệnh cho người thân có chịu thuế thu nhập cá nhân không?
283 lượt xem
Năm 2018, ba tôi bị bệnh nặng và phải đi trị bệnh. Biết hoàn cảnh của gia đình, nên công ty đã hỗ trợ bằng cách chi trả tiền trị bệnh cho ba tôi. Xin hỏi khoản tiền mà công ty chi trả viện phí cho ba tôi có xem là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân không?
Ban biên tập
10-07-2020
Căn cứ vào quy định tại Điểm g.1 Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân thì:
“Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế
Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
...
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
...
g) Không tính vào thu nhập chịu thuế đối với các khoản sau:
…
g.1) Khoản hỗ trợ của người sử dụng lao động cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo cho bản thân người lao động và thân nhân của người lao động.
g.1.1) Thân nhân của người lao động trong trường hợp này bao gồm: con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp.
g.1.2) Mức hỗ trợ không tính vào thu nhập chịu thuế là số tiền thực tế chi trả theo chứng từ trả tiền viện phí nhưng tối đa không quá số tiền trả viện phí của người lao động và thân nhân người lao động sau khi đã trừ số tiền chi trả của tổ chức bảo hiểm.
…”
Căn cứ vào quy định trên và thông tin bạn cung cấp, chúng tôi chia thành các trường hợp sau:
(1) Nếu ba bạn không mắc bệnh hiểm nghèo thì khoản tiền viện phí này vẫn được coi là thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân của bạn đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương.
(2) Nếu ba bạn mắc bệnh hiểm nghèo và khoản tiền mà công ty bạn đã chi trả tiền viện phí cho ba của bạn (là số tiền thực tế chi trả theo chứng từ trả tiền viện phí) không quá số tiền trả viện phí của ba bạn sau khi đã trừ số tiền chi trả của tổ chức bảo hiểm thì lúc này phần thu nhập đó được xác định là không chịu thuế thu nhập cá nhân.
(3) Nếu ba bạn mắc bệnh hiểm nghèo và khoản tiền mà công ty bạn đã chi trả tiền viện phí cho ba của bạn (là số tiền thực tế chi trả theo chứng từ trả tiền viện phí) vượt quá số tiền trả viện phí của ba bạn sau khi đã trừ số tiền chi trả của tổ chức bảo hiểm thì chỉ phần chi trả nằm trong phần chênh lệch giữa số tiền viện phí và số tiền bảo hiểm chi trả mới được xác định là phần thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân. Phần vượt quá vẫn phải chịu thuế thu nhập cá nhân với tư cách là thu nhập có được từ tiền công, tiền lương.
Ví dụ: Công ty có hỗ trợ cho anh A là 8.500.000 đồng để chi trả tiền viện phí cho ba anh A. Tuy nhiên, ba anh A đã được bảo hiểm chi trả 5.500.000 đồng thì số tiền vượt quá mức tiền trả viện phí của ba anh A sau khi đã trừ số tiền chi trả của tổ chức bảo hiểm là: 8.500.000 – 5.500.000 = 3.000.000 (đồng) sẽ phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của anh A.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.