Mức lương hưu hằng tháng của người lao động nghỉ hưu do bị suy giảm khả năng lao động

215 lượt xem
Mức lương hưu hằng tháng của người lao động nghỉ hưu do bị suy giảm khả năng lao động được quy định như thế nào?
Ban biên tập
18-01-2021

Theo quy định tại khoản 3 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội, mức lương hưu hằng tháng của người lao động nghỉ hưu do bị suy giảm khả năng lao động được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

Mức lương hưu hằng tháng  =  ( Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng   x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội )     -2% x số năm nghỉ hưu trước tuổi quy định

Người lao động lưu ý: Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.

Trong đó:

  •  Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được xác định tùy thuộc vào việc người lao động thuộc trường hợp nào theo quy định tại Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Nhìn chung, có 03 trường hợp như sau:

Một là, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu được tính theo khoản 1 Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Hai là, người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

Ba là, người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

a) Người lao động nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%;

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%;

c) Lao động nam nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, nhà nước hướng dẫn chi tiết mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu quy định tại Khoản 3 Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội được xác định như sau:

a) Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 60 tuổi đối với nam và đủ 55 tuổi đối với nữ;

b) Người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 55 tuổi đối với nam và đủ 50 tuổi đối với nữ;

c) Người lao động làm công việc khai thác than trong hầm lò quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Nghị định này thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 50 tuổi;

d) Trường hợp hồ sơ của người lao động không xác định được ngày, tháng sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh để tính tuổi làm cơ sở tính số năm nghỉ hưu trước tuổi.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận