Khuôn khổ pháp lý cho việc tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước

185 lượt xem
Doanh nghiệp nhà nước tổ chức, hoạt động theo khuôn khổ pháp lý như thế nào?
Ban biên tập
22-07-2020

Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được tổ chức hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên.[1]

Nhà nước là chủ thể duy nhất sở hữu DNNN, cho nên nó được tổ chức hoạt động dưới hình thức công ty TNHH một thành viên. Hiện nay, DNNN được tổ chức quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, đặc biệt Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã dành hẳn một chương riêng (Chương IV) để điều chỉnh về vấn đề tổ chức quản lý của DNNN. Theo đó, DNNN được tổ chức quản lý theo quy định của Chương IV, các quy định tương ứng tại mục 2 Chương III (về công ty TNHH một thành viên) và các quy định khác có liên quan của Luật Doanh nghiệp. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Chương IV với Chương III và các quy định có liên quan khác của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì áp dụng quy định tại Chương IV.

Về khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của DNNN, tùy thuộc vào vấn đề pháp lý liên quan mà Nhà nước sẽ ban hành văn bản pháp luật riêng điều chỉnh. Chẳng hạn, về vấn đề hoạt động quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp thì có Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung năm 2018); về vấn đề công bố thông tin có Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18/09/2019 của Chính phủ về việc công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước; về vấn đề quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại DNNN có Nghị định số 97/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ về việc quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty TNHH một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ…


[1] Điều 88, Điều 89 của Luật Doanh nghiệp năm2014.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận