Khai thác mạch nước ngầm để kinh doanh và phục vụ sinh hoạt gia đình thì có phải nộp thuế tài nguyên không?

323 lượt xem

Gia đình tôi có xây 10 phòng cho thuê với thu nhập hàng tháng trung bình là 12 triệu đồng. Do lượng người sử dụng tăng lên, nên giếng nước của gia đình tôi không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đồng thời khu vực này chưa có hệ thống nước sạch của nhà máy nước, vì vậy gia đình tôi đã thuê người về khoan một giếng nước. May mắn cho gia đình, giếng nước này được khoan ngay mạch nước ngọt và không bị phèn trong khi nhiều nhà gần đó giếng nước bị phèn. Cho nên, gia đình tôi không chỉ sử dụng giếng nước cho gia đình, người thuê trọ mà còn bán giá rẻ cho các hộ gia đình xung quanh (chủ yếu là lấy đủ tiền điện bơm nước). Xin hỏi, việc sử dụng nguồn nước ngầm của gia đình tôi để sử dụng sinh hoạt cho gia đình và giúp đỡ láng giềng chứ không nhằm mục đích kinh doanh thì có phải nộp thuế tài nguyên không?

Ban biên tập
23-06-2020

 

Theo quy định tại Điều 2 và Điều 3 Luật thuế tài nguyên năm 2009 sửa đổi, bổ sung năm 2014 về đối tượng chịu thuế và người nộp thuế tài nguyên thì:

“Điều 2. Đối tượng chịu thuế

1. Khoáng sản kim loại.

2. Khoáng sản không kim loại.

3. Dầu thô.

4. Khí thiên nhiên, khí than.

5. Sản phẩm của rừng tự nhiên, trừ động vật.

6. Hải sản tự nhiên, bao gồm động vật và thực vật biển.

7. Nước thiên nhiên, bao gồm nước mặt và nước dưới đất, trừ nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp.

8. Yến sào thiên nhiên.

9. Tài nguyên khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định”.

“Điều 3. Người nộp thuế

1. Người nộp thuế tài nguyên là tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên.

2. Người nộp thuế tài nguyên trong một số trường hợp được quy định cụ thể như sau:

a) Doanh nghiệp khai thác tài nguyên được thành lập trên cơ sở liên doanh thì doanh nghiệp liên doanh là người nộp thuế;

b) Bên Việt Nam và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh khai thác tài nguyên thì trách nhiệm nộp thuế của các bên phải được xác định cụ thể trong hợp đồng hợp tác kinh doanh;

c) Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua và tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua cam kết chấp thuận bằng văn bản về việc kê khai, nộp thuế thay cho tổ chức, cá nhân khai thác thì tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp thuế”.

Ngoài ra, Điều 9 Luật thuế tài nguyên năm 2009 sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định:

“Điều 9. Miễn, giảm thuế

1. Người nộp thuế tài nguyên gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ gây tổn thất đến tài nguyên đã kê khai, nộp thuế thì được xét miễn, giảm thuế phải nộp cho số tài nguyên bị tổn thất; trường hợp đã nộp thuế thì được hoàn trả số thuế đã nộp hoặc trừ vào số thuế tài nguyên phải nộp của kỳ sau.

2. Miễn thuế đối với hải sản tự nhiên.

3. Miễn thuế đối với cành, ngọn, củi, tre, trúc, nứa, mai, giang, tranh, vầu, lồ ô do cá nhân được phép khai thác phục vụ sinh hoạt.

4. Miễn thuế đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện của hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất phục vụ sinh hoạt.

5. Miễn thuế đối với nước thiên nhiên do hộ gia đình, cá nhân khai thác phục vụ sinh hoạt.

6. Miễn thuế đối với đất khai thác và sử dụng tại chỗ trên diện tích đất được giao, được thuê; đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, đê điều.

7. Trường hợp khác được miễn, giảm thuế do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định”.

Theo những quy định trên, gia đình bạn sẽ được miễn thuế tài nguyên trong trường hợp khai thác nước ngầm hoàn toàn để phục vụ sản xuất, sinh hoạt cá nhân. Tuy nhiên, nếu gia đình bạn khai thác nước không chỉ sử dụng cho gia đình sinh hoạt mà còn bán cho các nhà láng giềng thì phải kê khai và nộp thuế tài nguyên đối với phần nước khai thác đó.

Phần thuế này sẽ được tính theo công thức sau:

Thuế tài nguyên phải nộp trong kỳ = Sản lượng tài nguyên tính thuế x Giá tính thuế đơn vị tài nguyên x Thuế suất thuế tài nguyên

Trong đó, các yếu tố này được xác định như sau:

+ Sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định là khối lượng nước thực tế khai thác trong kỳ tính thuế.

+ Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng nhưng không được thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định; Trường hợp giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thì tính thuế tài nguyên theo giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên có cùng phẩm cấp, chất lượng chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và được áp dụng cho toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác trong tháng; Giá bán của một đơn vị tài nguyên được tính bằng tổng doanh thu (chưa có thuế giá trị gia tăng) của loại tài nguyên bán ra chia cho tổng sản lượng tài nguyên tương ứng bán ra trong tháng.

Trường hợp trong tháng có khai thác tài nguyên nhưng không phát sinh doanh thu bán tài nguyên thì giá tính thuế tài nguyên là giá tính thuế đơn vị tài nguyên bình quân gia quyền của tháng trước gần nhất có doanh thu; nếu giá tính thuế đơn vị tài nguyên bình quân gia quyền của tháng trước gần nhất có doanh thu thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thì áp dụng giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

+ Thuế suất áp dụng theo Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên ban hành kèm theo Nghị quyết số 1084/2015/UBTVQH13 ngày 10/12/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo đó, gia đình bạn sẽ áp dụng thuế suất là 5%.

Vậy gia đình nhanh chóng liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước theo đúng quy định.

 

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận