Khái niệm về kinh doanh
1.9K lượt xem
Kinh doanh là gì?
Ban biên tập
29-06-2020
Kinh doanh là hoạt động gắn liền với tiến trình tồn tại và phát triển của con người, đóng vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Hoạt động kinh doanh không chỉ mang lại lợi ích cho chính nhà đầu tư, mà còn cho cả xã hội, người dân và nhà nước. Vì vậy, kinh doanh được xem là một quyền hiến định, được pháp luật bảo hộ và khuyến khích.
Theo Từ điển tiếng Việt, “kinh doanh” được hiểu là tổ chức sản xuất, buôn bán sao cho sinh lợi. Ở nghĩa này, kinh doanh không chỉ là buôn bán mà bao gồm cả sản xuất. Hơn nữa, không phải tất cả hoạt động sản xuất, buôn bán đều là kinh doanh mà chỉ những hoạt động sản xuất, buôn bán nào có sinh lợi mới được coi là kinh doanh.[1]
Theo khoản 16 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014, kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi. Khái niệm kinh doanh được định nghĩa dựa trên trên đặc thù về tính chất và mục đích của hành vi kinh doanh, có nội hàm khá tương đồng với khái niệm hoạt động thương mại theo Luật Thương mại năm 2005 và khái niệm đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư năm 2014.[2] Tuy nhiên, khái niệm kinh doanh được LuậtDoanh nghiệp năm 2014 định nghĩa để tập trung cho phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Luật này, tức là việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp.
Hoạt động kinh doanh có các đặc điểm sau:
Thứ nhất, hoạt động kinh doanh là hoạt động diễn ra trên thị trường. Tuy nhiên, đây phải là hoạt động hợp pháp, được Nhà nước và pháp luật thừa nhận.
Thứ hai, hành vi kinh doanh phải là hành vi liên tục, thường xuyên và mang tính nghề nghiệp; nhằm thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ. Chính vì vậy, khi cá nhân, tổ chức trong nền kinh tế có thực hiện hành vi sản xuất, mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ nhưng mang tính chất bộc phát, không liên tục, không có tính nghề nghiệp thì không được xem là hoạt động kinh doanh.
Thứ ba, mục đích của hoạt động kinh doanh là nhằm sinh lợi, bao gồm mục đích tìm kiếm lợi nhuận và các mục đích sinh lợi khác như để giải quyết vấn đề của xã hội, môi trường và cộng đồng…
Luật Doanh nghiệp xác định mục đích kinh doanh theo nghĩa rộng thì rất nhiều hành vi trong nền kinh tế được xem là hành vi kinh doanh. Điều này giúp cho nhà đầu tư có thể tự do gia nhập thị trường mà không cần quan tâm đến hoạt động kinh doanh của mình có vì lợi nhuận hay không. Bên cạnh đó, nhiều chủ thể hoạt động kinh doanh nhưng không đặt ra mục tiêu vì lợi nhuận, như các doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp xã hội… Mục đích hoạt động của các chủ thể này hướng đến lợi ích của Nhà nước, của xã hội hoặc của môi trường.
[1] Trường Đại học Luật Hà Nội (2018), Giáo trình Luật Thương mại Việt Nam – Tập 1, Nxb. Tư pháp, tr. 39.
[2] Theo khoản 1 Điều 3, Luật Thương mại năm 2005: Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Theo khoản 5 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2014: Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua CP, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.