Kê khai thuế bảo vệ môi trường đối với dầu nhờn
455 lượt xem
Việc kê khai thuế bảo vệ môi trường đối với dầu
nhờn thực hiện như thế nào?
Ban biên tập
24-06-2020
1. Về đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường
Tại Khoản 1 Điều 3 và Khoản 1 Điều 4 Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định:
“Điều 3. Đối tượng chịu thuế
a) Xăng, trừ etanol;
b) Nhiên liệu bay;
c) Dầu diezel;
d) Dầu hỏa;
đ) Dầu mazut;
e) Dầu nhờn;
g) Mỡ nhờn”.
“Điều 4. Đối tượng không chịu thuế
1. Hàng hóa không quy định tại Điều 3 của Luật này không thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường”.
- Tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 67/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định: “1. Đối với xăng, dầu, mỡ nhờn quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Luật Thuế bảo vệ môi trường là các loại xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch. Đối với nhiên liệu hỗn hợp chứa nhiên liệu sinh học và xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch, chỉ tính thu thuế bảo vệ môi trường đối với phần xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch”.
- Theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC dựa trên Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa của Tổ chức Hải quan thế giới (Hệ thống HS) và Danh mục hài hòa thuế quan của Asean (Danh mục AHTN) thì dầu gốc với mã số HS 27.10.19.41 (là dầu khoáng đã tinh chế để sản xuất dầu bôi trơn) và mã số HS 27.10.19.89 (là dầu trung khác và các chế phẩm) không có tên tại Khoản 1 Điều 3 Luật Thuế bảo vệ môi trường. (Dầu bôi trơn - dầu nhờn được thể hiện ở 2 mã số HS sau: 27.10.19.42 - là dầu bôi trơn cho động cơ máy bay và 27.10.19.43 - là dầu bôi trơn khác).
Căn cứ các quy định của pháp luật về thuế bảo vệ môi trường nêu trên thì xăng, dầu, mỡ nhờn có tên tại Khoản 1 Điều 3 Luật Thuế bảo vệ môi trường mới thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường; Hàng hóa không quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Thuế bảo vệ môi trường không thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường; Trường hợp nhiên liệu hỗn hợp chứa nhiên liệu sinh học và xăng, dầu, mỡ nhờn có tên tại Khoản 1 Điều 3 Luật Thuế bảo vệ môi trường thì chỉ tính thu thuế bảo vệ môi trường đối với phần xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch.
Số tiền thuế bảo vệ môi trường đã thu đối với hàng hóa không thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường kể từ thời điểm Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành được xác định là số tiền thuế nộp thừa và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
2. Về kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với dầu nhờn (được sản xuất, pha chế từ dầu gốc) xuất, bán
- Tại Điểm c Khoản 2 Điều 4 Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định về hàng hóa không thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường như sau:
“c) Hàng hóa do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu, trừ trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường để xuất khẩu”.
- Tại Khoản 4 Điều 9 Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định về thời điểm tính thuế đối với xăng dầu như sau:
“4. Đối với xăng, dầu sản xuất hoặc nhập khẩu để bán thời điểm tính thuế là thời điểm đầu mối kinh doanh xăng, dầu bán ra”.
- Tại Khoản 3 Điều 10 Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định về khai thuế, tính thuế, nộp thuế bảo vệ môi trường như sau:
“3. Thuế bảo vệ môi trường chỉ nộp một lần đối với hàng hóa sản xuất hoặc nhập khẩu”.
- Tại Điểm b Khoản 4 Điều 15 Thông tư số 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về khai thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu như sau:
“b) Đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (sau đây gọi chung là xăng dầu):
... - Tổ chức khác trực tiếp nhập khẩu, sản xuất, chế biến xăng dầu (trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký kinh doanh xăng dầu) thực hiện kê khai, nộp thuế tại cơ quan thuế địa phương nơi kê khai, nộp thuế GTGT khi xuất, bán xăng dầu”.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp tổ chức (không phải là các đầu mối kinh doanh xăng dầu theo pháp luật về kinh doanh xăng dầu nhưng trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư có đăng ký kinh doanh xăng dầu) trực tiếp nhập khẩu dầu gốc (mã số HS 27.10.19.41 và 27.10.19.89) làm nguyên liệu để sản xuất, pha chế ra dầu nhờn (mã số HS 27.10.19.43) thì.
- Thực hiện kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với lượng dầu nhờn khi xuất, bán tại Việt Nam tại cơ quan thuế địa phương nơi kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng.
- Không phải nộp thuế bảo vệ môi trường đối với lượng dầu nhờn được tổ chức trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.