Hợp đồng mua bán gạo có bị vô hiệu khi không công chứng?
457 lượt xem
Công ty A (TPST) và công ty B(HCM) ký kết HĐ mua bán gạo bằng văn bản, đã thỏa thuận trong HĐ sau 5 ngày từ khi ký hđ sẽ công chứng tại VP công chứng. Nhưng qua thời gian trên 2 bên vẫn không công chứng mà có động thái chuẩn bị thực hiện HĐ (Công ty A fax cho công ty B thông báo chuẩn bị giao hàng). Cty B cho rằng A không thực hiện đúng thỏa thuận trong HĐ nên có đơn yêu cầu tòa án tuyên bố HĐ này vô hiệu. Cho hỏi HĐ này có bị vô hiệu không và vì sao ạ?
Ban biên tập
24-11-2021
Căn cứ Điều 122 Bộ Luật dân sự 2015 quy định "Giao dịch dân sự vô hiệu là Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 Bộ Luật dân sự 2015"
Điều 117 Bộ luật dân sự quy định các điều kiện để hợp đồng có hiệu lực bao gồm:
– Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với hợp đồng được xác lập;
– Chủ thể tham gia hợp đồng phải hoàn toàn tự nguyện;
– Mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Theo đó, một hợp đồng mà không đáp ứng một trong các điều kiện trên thì bị vô hiệu, cụ thể các trường hợp hợp đồng vô hiệu bao gồm:
- Hợp đồng vô hiệu khi vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội
- Hợp đồng vô hiệu do giả tạo
- Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện
- Hợp đồng vô hiệu do bị nhầm lẫn
- Hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép
- Hợp đồng vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình
- Hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức
Căn cứ khoản 2 Điều 129 quy định:
"Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực."
Trong trường hợp này hợp đồng mua bán gạo giữa công ty A và công ty B không phải là giao dịch bắt buộc phải công chứng, chứng thực theo quy định.
Do đó, xét các căn cứ nêu trên thì công ty B yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu với lý do công ty A không thực hiện đúng thỏa thuận trong hợp đồng (không công chứng) là không phù hợp. Nên hợp đồng này không thể bị vô hiệu.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.