Hồ sơ để được nhận chế độ tuất một lần và chế độ tuất hằng tháng gồm những gì? Nếu đủ điều kiện nhận tuất hằng tháng nhưng có nguyện vọng nhận tiền tuất 01 lần thì có được hay không? Cách tính mức phí mai táng, tuất hằng tháng và tuất một lần như thế nào?

262 lượt xem

Ông Huỳnh Thế H ký hợp đồng lao động với Công ty TNHH Công nghệ T.H. Ông H bắt đầu làm việc và đóng bảo hiểm xã hội tại Công ty này từ tháng 7/2016. Do bị bệnh thiếu máu cơ tim, ông H nhập viện điều trị từ ngày ngày 01/05/2020. Đến ngày 02/06/2020, ông H mất.

Trước khi mất, ông H sống cùng vợ - bà M hiện nay 59 tuổi đang hưởng lương hưu là 5.500.000đ. Con trai của ông H hiện trên 30 tuổi và đang đi làm việc tại doanh nghiệp. Ông H nuôi cha ruột 73 tuổi và mẹ vợ 76 tuổi. Cả cha ruột và mẹ vợ của ông H đều đang hưởng chế độ trợ cấp cho người già khoảng 350.000đ/tháng).

1. Ngoài khoản chế độ tuất 1 lần và mai táng, thì công ty có thể làm chế độ ốm đau cho người lao động từ ngày 01/05/2020 đến ngày 02/06/2020 để bảo hiểm thanh toán hay không.

2. Cách tính chế độ mai táng phí và cách tính tiền tuất (lĩnh hàng tháng và lĩnh 1 lần) được quy định như thế nào?

3. Mẹ ruột và mẹ vợ của ông H có được hưởng tiền trợ cấp tử tuất hay không?

4. Hồ sơ tuất 1 lần gồm những gì và nộp hồ sơ giấy hay bưu điện.

Ban biên tập
19-01-2021

1. Ngoài khoản chế độ tuất 1 lần và mai táng, thì công ty có thể làm chế độ ốm đau cho người lao động từ ngày 01/05/2020 đến ngày 02/06/2020 để bảo hiểm thanh toán hay không.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì điều kiện để hưởng chế độ ốm đau là người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế. Do đó, thời gian nhập viện điều trị từ ngày 01/5/2020 đến ngày 01/6/2020 nếu ông H có giấy ra viện hoặc giấy chứng nằm viện kèm trích lục khai tử thì người lao động vẫn được giải quyết hưởng chế độ ốm đau theo quy định.

2. Cách tính chế độ mai táng phí và cách tính tiền tuất (lĩnh hàng tháng và lĩnh 1 lần) được quy định như thế nào?

Trợ cấp mai táng: Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người đang hưởng lương hưu khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng và mức trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người đang hưởng lương hưu chết.

Về mức tiền tuất hằng tháng được quy định tại Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

  • Thứ nhất, mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.
  • Thứ hai, trường hợp một người chết thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 67 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng không quá 04 người; trường hợp có từ 02 người chết trở lên thì thân nhân của những người này được hưởng 02 lần mức trợ cấp tại điểm thứ nhất.
  • Thứ ba, thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện kể từ tháng liền kề sau tháng mà đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014chết. Trường hợp khi bố chết mà người mẹ đang mang thai thì thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của con tính từ tháng con được sinh.

Về mức tiền tuất 01 lần được quy định cụ thể tại Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

  • Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014; bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho các năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi; mức thấp nhất bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính trợ cấp tuất một lần thực hiện theo quy định tại Điều 62 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
  • Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng.
  • Mức lương cơ sở dùng để tính trợ cấp tuất một lần là mức lương cơ sở tại tháng mà người quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 chết.

3. Mẹ ruột và mẹ vợ của ông H có được hưởng tiền trợ cấp tử tuất hay không?

Trong trường hợp ông H đang hưởng lương hưu mà chết, còn thân nhân là mẹ ruột và mẹ vợ có mức thu nhập từ khoản trợ cấp cho người già là 350.000 đồng/tháng thì hai người này đều thuộc trường hợp hưởng trợ cấp tuất hàng tháng theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

4. Hồ sơ tuất 1 lần gồm những gì và nộp hồ sơ giấy hay bưu điện.

Trường hợp thân nhân của ông H đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng mà có nguyện vọng nhận trợ cấp tuất một lần theo khoản 3 Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì hồ sơ phải chuẩn bị theo Điều 6 khoản 1.2.4 Quyết định 166/QĐ-BHXH gồm:

“Đối với thân nhân hưởng chế độ tử tuất: Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 111 Luật BHXH; mẫu số 04C-HBKV (ban hành kèm theo Thông tư số 181/2016/TT-BQP đối với người có thời gian phục vụ trong quân đội trước ngày 01/01/2007 tại địa bàn có hưởng phụ cấp khu vực mà sổ BHXH không thể hiện đầy đủ thông tin làm căn cứ tính phụ cấp khu vực); khoản 4 Điều 25 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH, khoản 1 Điều 15 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, gồm:

a) Trường hợp thân nhân của người đang đóng BHXH, đang bảo lưu thời gian đóng BHXH:

  • Sổ BHXH.
  • Bản sao giấy chứng tử hoặc bản sao giấy báo tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
  • Tờ khai của thân nhân theo mẫu số 09-HSB.
  • Biên bản giám định mức suy giảm KNLĐ của Hội đồng GĐYK đối với thân nhân bị suy giảm KNLĐ từ 81% trở lên (bản chính, trường hợp người lao động đã có biên bản GĐYK để hưởng các chính sách khác trước đó mà đủ điều kiện hưởng thì có thể thay bằng bản sao) hoặc bản sao giấy xác nhận khuyết tật mức độ đặc biệt nặng (tương đương mức suy giảm KNLĐ từ 81% trở lên) theo quy định tại Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH trong trường hợp hưởng trợ cấp tuất hàng tháng do suy giảm KNLĐ.
  • Trường hợp chết do TNLĐ, BNN thì có thêm biên bản điều tra TNLĐ hoặc bệnh án điều trị BNN.
  • Trường hợp thanh toán phí GĐYK thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện GĐYK.
  • Bản khai cá nhân về thời gian, địa bàn phục vụ trong quân đội có hưởng phụ cấp khu vực theo mẫu số 04C-HBKV ban hành kèm theo Thông tư số 181/2016/TT-BQP đối với người có thời gian phục vụ trong quân đội trước ngày 01/01/2007 tại địa bàn có hưởng phụ cấp khu vực mà sổ BHXH không thể hiện đầy đủ thông tin làm căn cứ tính phụ cấp khu vực.

b) Đối với thân nhân của người đang hưởng hoặc tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng: Hồ sơ như nêu tại các nội dung a2, a3, a4, a6 thuộc a tiết này”.

Đơn vị có thể nộp hồ sơ giải quyết chế độ tuất trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện đến cơ quan BHXH nơi đang đóng BHXH.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận