Hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế

684 lượt xem

Hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế được xác định như thế nào?

Ban biên tập
01-09-2020

 

Theo Điều 126 Luật Sở hữu trí tuệ, các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu sáng chế:

- Sử dụng sáng chế được bảo hộ trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;

- Sử dụng sáng chế mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời.

Theo Điều 5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP, hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế khi có đủ các căn cứ sau đây:

- Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

- Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.

- Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện các quyền theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

- Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.

Theo Điều 11 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN, hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế được xác định như sau:

1. Sản phẩm/bộ phận sản phẩm/quy trình bị xem xét được coi là trùng hoặc tương đương với sản phẩm/bộ phận sản phẩm/quy trình được bảo hộ theo một điểm nào đó (độc lập và phụ thuộc) của yêu cầu bảo hộ thuộc Bằng độc quyền sáng chế/Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu tất cả các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật cơ bản được nêu trong điểm đó đều có mặt trong sản phẩm/bộ phận sản phẩm/quy trình bị xem xét dưới dạng trùng hoặc tương đương, trong đó:

a. Hai dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật được coi là trùng nhau nếu dấu hiệu đó có cùng bản chất, cùng mục đích sử dụng, cùng cách thức đạt được mục đích và cùng mối quan hệ với các dấu hiệu khác nêu trong yêu cầu bảo hộ;

b. Hai dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật được coi là tương đương với nhau nếu có bản chất tương tự nhau hoặc có thể thay thế cho nhau, có mục đích sử dụng và cách thức để đạt được mục đích sử dụng cơ bản giống nhau.

2. Nếu sản phẩm/bộ phận sản phẩm/quy trình bị xem xét không chứa ít nhất một dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật cơ bản nêu trong một điểm nào đó của yêu cầu bảo hộ thì sản phẩm/bộ phận sản phẩm/quy trình bị xem xét được coi là không trùng/không tương đương với sản phẩm/bộ phận sản phẩm/quy trình được bảo hộ theo điểm đó.

 

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận