Hạn mức đất ở làm căn cứ tính thuế đối với cá nhân sử dụng nhiều thửa đất khác nhau tại cùng một địa phương với tổng diện tích vượt hạn mức quy định.

745 lượt xem
Trường hợp một người sử dụng nhiều thửa đất khác nhau tại cùng một địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), diện tích mỗi thửa đất đều không vượt hạn mức đất ở tại địa phương đó nhưng tổng diện tích đất mà người đó sử dụng lại vượt hạn mức thì việc xác định hạn mức đất ở để tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và việc khai nộp thuế được pháp luật quy định như thế nào? 
Ban biên tập
07-10-2020

- Vấn đề bạn hỏi được quy định chi tiết tại tiết d1, điểm d mục 1.4 Điều 5 và tiết a.3 mục 2.2 Điều 16 Thông tư 153/2011/TT-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Cụ thể như sau:

“Điều 5. Diện tích đất tính thuế:

….

1.4. Hạn mức đất ở làm căn cứ tính thuế

d) Trường hợp người nộp thuế có nhiều thửa đất ở trong một tỉnh thì người nộp thuế chỉ được lựa chọn một thửa đất tại một quận, huyện, thị xã, thành phố nơi có quyền sử dụng đất để làm căn cứ xác định hạn mức đất tính thuế, trong đó:

d1) Trường hợp không có thửa đất ở nào vượt hạn mức đất ở thì người nộp thuế được lựa chọn hạn mức đất ở tại một nơi có quyền sử dụng đất để xác định số thuế phải nộp. Phần diện tích đất ở ngoài hạn mức được xác định bằng tổng diện tích các thửa đất ở có quyền sử dụng trừ đi hạn mức đất ở của nơi người nộp thuế đã lựa chọn;

…”

- “Điều 16. Khai thuế

1. Nguyên tắc khai thuế:

2. Khai thuế đối với một số trường hợp cụ thể

2.2. Đối với hộ gia đình, cá nhân.

a) Đối với đất ở.

….

a3) Trường hợp NNT có quyền sử dụng đất đối với nhiều thửa đất ở tại các quận, huyện và không có thửa đất nào vượt hạn mức nhưng tổng diện tích các thửa đất chịu thuế vượt quá hạn mức đất ở nơi có quyền sử dụng đất: NNT phải thực hiện lập tờ khai thuế cho từng thửa đất, nộp tại UBND cấp xã nơi có đất chịu thuế và lập tờ khai tổng hợp thuế nộp tại Chi cục Thuế nơi NNT chọn để làm thủ tục kê khai tổng hợp.

Ví dụ 10:

Ông Nguyễn Văn C có 2 thửa đất ở tại quận Hoàn Kiếm và huyện Ba Vì thuộc thành phố Hà Nội, cụ thể như sau:

- Thửa đất tại quận Hoàn Kiếm là 50m2 (hạn mức 80m2);

- Thửa đất tại huyện Ba Vì là 170m2 (hạn mức 200m2).

Ông Nguyễn Văn C thực hiện lập 2 tờ khai thuế để khai riêng cho từng thửa đất và nộp Tờ khai thuế cho UBND phường nơi có đất chịu thuế thuộc quận Hoàn Kiếm (thửa 50m2) và UBND xã nơi có đất chịu thuế thuộc huyện Ba Vì (thửa 170m2); Đồng thời, Ông phải đăng ký, chọn 1 cơ quan thuế (Chi cục Thuế) để làm thủ tục kê khai tổng hợp.

Nếu Ông C lựa chọn hạn mức đất ở tại quận Hoàn Kiếm thì phải nộp Tờ khai tổng hợp tại Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm để làm thủ tục kê khai tổng hợp.

Nếu Ông C lựa chọn hạn mức đất ở tại huyện Ba Vì thì phải nộp Tờ khai tổng hợp tại Chi cục Thuế Ba Vì để làm thủ tục kê khai tổng hợp.

….

a6) Chậm nhất là ngày ba mươi mốt tháng 3 (31/03) của năm dương lịch tiếp theo, NNT lập Tờ khai tổng hợp thuế theo mẫu số 03/TKTH-SDDPNN gửi Chi cục Thuế nơi NNT thực hiện kê khai tổng hợp và tự xác định phần chênh lệch giữa số thuế phải nộp theo quy định với số thuế phải nộp trên Tờ khai NNT đã kê khai tại các Chi cục Thuế nơi có đất chịu thuế.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận