Giải thích khái niệm một số hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động
210 lượt xem
Một số hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động được hiểu như thế
nào?
Ban biên tập
13-01-2021
Theo quy định tại khoản 7, khoản 8, khoản 9 Điều 3 Bộ luật lao động 2019, một số hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động được hiểu như sau:
+ Hành vi cưỡng bức lao động: Đây là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác để ép buộc người lao động phải làm việc trái ý muốn của họ.
+ Hành vi phân biệt đối xử trong lao động: Đây là hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình hoặc trên cơ sở tình trạng nhiễm HIV hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp.
Tuy nhiên, việc phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên xuất phát từ yêu cầu đặc thù của công việc và các hành vi duy trì, bảo vệ việc làm cho người lao động dễ bị tổn thương thì không bị xem là phân biệt đối xử.
+ Hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Đây là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.
Trên đây là quy định nhằm làm rõ những khái niệm về một số hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động mà người lao động và người sử dụng lao động cần biết.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.