Căn cứ xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu
227 lượt xem
Gia
đình tôi có nghề truyền thống là sản xuất bánh hỏi. Các sản phẩm của gia đình
tôi được biết đến rất rộng rãi tại Cần Thơ và một số tỉnh miền Tây, đã được đưa
vào một số cửa hàng tiện ích chứ không chỉ bán tại chợ truyền thống. Mới đây,
trong một hội thảo về nhãn hiệu, tôi được khuyên là nên đăng ký bảo hộ nhãn
hiệu cho các sản phẩm của gia đình. Xin cho hỏi, nhãn hiệu của chúng tôi có
được bảo hộ tự động tại Việt Nam không? Chúng tôi có được quyền lợi gì khi đăng
ký bảo hộ nhãn hiệu?
Ban biên tập
30-06-2020
Theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 6, Luật Sở hữu trí tuệ thì quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên ở đây là Thỏa ước Maddrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu và Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Maddrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu.
Như vậy, đối với câu hỏi của bạn, nhãn hiệu của bạn không được bảo hộ tự động mà bạn cần thực hiện thủ tục đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu chỉ được bảo hộ khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Khi đăng ký bảo hộ thành công, chủ sở hữu nhãn hiệu nói riêng, chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp nói chung sẽ có các quyền tài sản được quy định tại Điều 123 Luật Sở hữu trí tuệ, bao gồm:
a) Sử dụng, cho phép người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 124 và Chương X của Luật Sở hữu trí tuệ;
b) Ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 125 của Luật Sở hữu trí tuệ;
c) Định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Chương X của Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo khoản 5 Điều 124 Luật Sở hữu trí tuệ, sử dụng nhãn hiệu là việc thực hiện các hành vi sau đây:
a) Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;
b) Lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ;
c) Nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.