Đối tượng nào phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường?

1.8K lượt xem
Xin hỏi: Đối tượng nào phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường? Kế hoạch bảo vệ môi trường gồm có những nội dung gì? 
Ban biên tập
06-07-2020

Theo quy định tại Điều 19 Luật Bảo vệ môi trường 2014 thì đối tượng phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường gồm có:

(i) Dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường

(ii) Phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Theo đó, Điều 18 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP (sửa đổi,  bổ sung bởi Nghị định 40/2019/NĐ-CP) quy định đối tượng phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường bao gồm:

a) Dự án đầu tư mới hoặc dự án đầu tư mở rộng quy mô, nâng công suất có tổng quy mô, công suất của cơ sở đang hoạt động và phần đầu tư mới thuộc đối tượng quy định tại cột 5 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP;

b) Dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc dự án, phương án đầu tư mở rộng quy mô, nâng công suất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, có phát sinh lượng nước thải từ 20 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 500 m3/ngày (24 giờ) hoặc chất thải rắn từ 01 tấn/ngày (24 giờ) đến dưới 10 tấn/ngày (24 giờ) hoặc khí thải từ 5.000 mkhí thải/giờ đến dưới 20.000 mkhí thải/giờ (bao gồm cả cơ sở đang hoạt động và phần mở rộng) trừ các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại cột 3 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP.

- Kế hoạch bảo vệ môi trường gồm có những nội dung sau:

1. Địa điểm thực hiện.

2. Loại hình, công nghệ và quy mô sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

3. Nguyên liệu, nhiên liệu sử dụng.

4. Dự báo các loại chất thải phát sinh, tác động khác đến môi trường.

5. Biện pháp xử lý chất thải và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

6. Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận