Chủ thể có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp

484 lượt xem
Đối tượng nào có quyền và không có quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp?
Ban biên tập
29-06-2020

Để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút các nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế, Điều 18 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định các tổ chức, cá nhân đều có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, trừ các nhóm trường hợp sau đây (tức là không có quyền thành lập doanh nghiệp):

Nhóm đối tượng thứ nhất: Các trường hợp bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp

(i) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình.

Thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình thuộc một trong ba trường hợp sau: Thứ nhất, chia dưới mọi hình thức cho một số hoặc tất cả những người trong cơ quan, đơn vị; Thứ hai, bổ sung vào ngân sách hoạt động của cơ quan, đơn vị trái với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; Thứ ba, lập quỹ hoặc bổ sung vào quỹ phục vụ lợi ích riêng của cơ quan, đơn vị.

(ii) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Theo khoản 2 Điều 20 của Luật Phòng, chống tham những năm 2018 thì cán bộ, công chức, viên chức không được: Thứ nhất, thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân (DNTN), công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), công ty cổ phần (CP), công ty hợp danh (HD), hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác; Thứ hai, thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành DNTN, công ty TNHH, công ty CP, công ty HD, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ.

(iii) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp.

(iv) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác.

Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Hình thức pháp lý của doanh nghiệp nhà nước là công ty TNHH một thành viên.

Theo Nghị định số 97/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ về việc quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty TNHH một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (khoản 2 Điều 2), người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty TNHH một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm: Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng.

(v) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân.

Việc xác định như thế nào là người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người bị mất năng lực hành vi dân sự và tổ chức không có tư cách pháp nhân áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành.

(vi) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.

  Nhóm đối tượng thứ hai:Các trường hợp bị hạn chế quyền thành lập doanh nghiệp

Thành viên HD không được làm chủ DNTN hoặc thành viên HD của công ty HD khác, trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên HD còn lại (Khoản 1 Điều 175, Luật Doanh nghiệp năm 2014).

(i) Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một DNTN. Chủ DNTN không được đồng thời là thành viên công ty HD (Khoản 3 Điều 183 Luật Doanh nghiệp năm 2014).

(ii) Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp (Khoản 3 Điều 189 Luật Doanh nghiệp năm 2014).

Nhóm đối tượng thứ ba: Các trường hợp bị cấm hoặc hạn chế quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Xuất phát từ đặc thù của lĩnh vực, ngành nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật chuyên ngành có thể đưa ra các quy định về cấm hoặc hạn chế quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp.

Chẳng hạn, trong hoạt động ngân hàng, Điều 33 của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định về việc cấm quản lý tổ chức tín dụng như sau:

“Điều 33. Những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ

1. Những người sau đây không được là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và chức danh tương đương của tổ chức tín dụng:

a) Người thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Người thuộc đối tượng không được tham gia quản lý, điều hành theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

c) Người đã từng là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh, Tổng giám đốc (Giám đốc), thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của doanh nghiệp, Chủ nhiệm và các thành viên Ban quản trị hợp tác xã tại thời điểm doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản, trừ trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản vì lý do bất khả kháng;

d) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tại thời điểm doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động, bị buộc giải thể do vi phạm pháp luật nghiêm trọng, trừ trường hợp là đại diện theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm chấn chỉnh, củng cố doanh nghiệp đó;

đ) Người đã từng bị đình chỉ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Trưởng Ban kiểm soát, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng theo quy định tại Điều 37 của Luật này hoặc bị cơ quan có thẩm quyền xác định người đó có vi phạm dẫn đến việc tổ chức tín dụng bị thu hồi Giấy phép;

e) Người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) không được là thành viên Ban kiểm soát của cùng tổ chức tín dụng;

g) Người có liên quan của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên không được là Tổng giám đốc (Giám đốc) của cùng tổ chức tín dụng.

Bổ sung

2. Những người sau đây không được là Kế toán trưởng, Giám đốc chi nhánh, Giám đốc công ty con của tổ chức tín dụng:

a) Người chưa thành niên, người bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự;

b) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án;

c) Người đã bị kết án về tội từ tội phạm nghiêm trọng trở lên;

d) Người đã bị kết án về tội xâm phạm sở hữu mà chưa được xóa án tích;

đ) Cán bộ, công chức, người quản lý từ cấp phòng trở lên trong các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm từ 50% vốn điều lệ trở lên, trừ người được cử làm đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại tổ chức tín dụng;

e) Sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại tổ chức tín dụng;

g) Các trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng.

3. Cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) và vợ, chồng của những người này không được là Kế toán trưởng hoặc là người phụ trách tài chính của tổ chức tín dụng.”

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận