Điều kiện và thẩm quyền đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người Việt Nam định cư ở nước ngoài

658 lượt xem

Tôi có hộ khẩu thường trú, chứng minh nhân dân ở Đồng Tháp, Việt Nam. Hiện nay, tôi đang sinh sống và làm việc tại Mỹ (có thẻ xanh Mỹ, chưa có quốc tịch Mỹ). Bạn tôi dự định sẽ kết hôn với bạn gái tôi, có hộ khẩu thường trú tại TP. Hồ Chí Minh.

Cho tôi hỏi, trong trường hợp của tôi thì tôi và bạn gái tôi tôi cần đáp ứng những điều kiện gì để được đăng ký kết hôn? Và việc đăng ký sẽ được thực hiện ở đâu?

Ban biên tập
15-06-2021

Khoản 3 Điều 3 Nghị định 138/2006/NĐ-CP quy định “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam đang cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài".

Theo khái niệm trên thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài bao gồm 2 trường hợp:

(1) công dân Việt Nam; và

(2) người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Trong trường hợp này, anh vẫn còn hộ khẩu thường trú ở Đồng Tháp, Việt Nam nên anh là công dân Việt Nam. Bên cạnh đó, anh đã được cấp thẻ xanh của Mỹ - thẻ xanh hay thẻ thường trú là loại giấy tờ trao cho người nhập cư vào Mỹ quyền định cư tại đây lâu dài và cố định – tức là anh thuộc nhóm người đang cư trú tại Mỹ. Do đó, theo quy định của pháp luật Việt Nam, anh được xem là người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Vậy điều kiện để anh được đăng ký kết hôn với bạn gái anh (công dân Việt Nam đang cư trú trong nước và thẩm quyền đăng ký được quy định như sau:

1. Điều kiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Theo quy định tại Khoản 25 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình “Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.” Như phân tích ở trên vì anh được xem là người Việt Nam định cư ở nước ngoài nên quan hệ hôn nhân giữa anh và bạn gái anh được xem là quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Căn cứ Điều 126 Luật Hôn nhân và gia đình về kết hôn có yếu tố nước ngoài, anh và chị phải tuân thủ quy định về điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình Điều kiện kết hôn

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.”

Bên cạnh đó, anh chị cần phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện kết hôn với người Việt Nam sống ở nước ngoài như sau theo Khoản 1 Điều 38 Luật hộ tịch 2014:

“Hai bên nam, nữ nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch...”

Theo đó, anh muốn kết hôn với bạn gái anh thì cần có giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận anh không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình cho cơ quan đăng kí hộ tịch.

2. Thẩm quyền đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Điều 37 Luật Hộ tịch 2014 quy định thẩm quyền đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài như sau: “1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài ….” Theo quy định này thì thẩm quyền đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài là UBND quận/huyện nơi mà công dân Việt Nam đăng ký thường trú.

Mặc khác, tại Điều 19 Nghị định 126/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình có quy định: Điều 19. Thẩm quyền đăng ký kết hôn

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký thường trú của công dân Việt Nam, thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài.” Theo đó, thẩm quyền đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài lại thuộc về UBND cấp tỉnh.

Như vậy, hai quy định này lại mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên, Nghị định 126/2014/NĐ-CPcó hiệu lực từ 15/02/2015 còn Luật Hộ tịch có hiệu lực ngày 01/01/2016. Hơn nữa, xét về khía cạnh giá trị pháp lý thì Luật có giá trị cao hơn nghị định. Ngoài ra, tại Điều 13 Luật Hôn nhân và gia đìnhcó quy định Điều 123. Thẩm quyền giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

1. Thẩm quyền đăng ký hộ tịch liên quan đến các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch”

Vì vậy, trong trường hợp này sẽ áp dụng quy định của Luật Hộ tịch. Do đó, trường hợp kết hôn của anh sẽ thuộc thẩm quyền của UBND cấp quận/huyện nơi anh hoặc chị đăng ký thường trú.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận