Điều kiện đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện? Tờ khai đăng ký đóng bảo hiểm xã hội do ai ký? Người lao động bị mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi dân sự thì người giám hộ có được nhận thay bảo hiểm xã hội không?

172 lượt xem
Anh Nguyễn Lưu T. D bắt đầu tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 6/2008. Từ ngày 01/7/2016, anh T. D là viên chức nhà nước, làm việc tại Trường Đại học K. Ngày 21/2/2020, anh T. D bị tai nạn giao thông khi đang di chuyển trên đường đi đến nơi làm việc. Sau khi điều trị, theo kết quả giám định, anh T. D bị tâm thần.

Từ tháng 04/2020, anh T. D nghỉ việc tại Trường Đại học K và cũng dừng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ tháng 4/2020 đến nay.

1. Vợ anh T. D muốn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho anh T. D để sau này anh được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội có được không?

2. Tờ khai đăng ký đóng bảo hiểm xã hội do ai ký?

3. Sau này hưởng chế độ thì người giám hộ có được nhận chế độ thay không?

Ban biên tập
18-01-2021

1. Vợ anh T. D muốn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho anh T. D để sau này anh được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội có được không?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 khoản 1 Điều 2 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/2/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH tự nguyện, người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật về BHXH; không quy định người tâm thần không được tham gia BHXH tự nguyện.

2. Tờ khai đăng ký đóng bảo hiểm xã hội do ai ký?

Anh D bị tai nạn giao thông dẫn đến bị tâm thần, do đó cần xác định anh D bị mất năng lực hành vi dân sự theo Điều 22 BLDS 2015. Khi đó, vợ anh D đương nhiên là người giám hộ theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Bộ luật này. Như vậy, vợ anh D được thực hiện tất cả các quyền của người giám hộ quy định tại Điều 58 Bộ luật này, trong đó bao gồm quyền đại diện cho anh D thực hiện các giao dịch dân sự và các quyền khác theo quy định của pháp luật. Ở đây, anh D muốn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng lại không có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, do đó, căn cứ các quy định trên, vợ anh sẽ là người đại diện cho anh xác lập các quyền này. Như vậy, chị cũng sẽ là người ký vào tờ khai đăng ký đóng bảo hiểm xã hội cho anh.

3. Sau này hưởng chế độ thì người giám hộ có được nhận chế độ thay không?

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 58 và khoản 1 Điều 59 BLDS 2015, vì vợ anh D là người giám hộ cho anh nên chị có quyền đại diện cho anh thực hiện các quyền  nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp cho anh D. Đồng thời, chị cũng là người có trách nhiệm quản lý tài sản cho anh. Vì vậy, sau này khi hưởng chế độ mà anh D vẫn trong trạng thái mất năng lực hành vi dân sự thì vợ anh sẽ là người có quyền nhận chế độ thay cho anh và quản lý, sử dụng số tiền đó vì lợi ích của anh D.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận