Điều kiện để người lao động được hưởng lương hưu khi làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm? Nếu NSDLĐ không đóng BHXH cho NLĐ thì xử lý như thế nào?

163 lượt xem

Bên tranh chấp 1: Bà Lê Thị Thu H, sinh năm 1963

Bên tranh chấp 2: Công ty Cổ phần N

Bên liên quan khác: Bảo hiểm Xã hội thành phố Đ 

Bà Lê Thị Thu H, sinh năm 1963, là công nhân vận hành máy dệt bao PP các loại tại Công ty Cổ phần N từ tháng 10/1990 và bà làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại. Tháng 05/2018, bà H nghỉ hưu để hưởng chế độ hưu trí, tuy nhiên, thông qua cơ quan bảo hiểm xã hội, bà được biết Công ty N không đóng bảo hiểm xã hội cho bà từ tháng 01/2016 đến tháng 05/2018, mặc dù hằng tháng đều trích từ tiền lương của bà để đóng bảo hiểm xã hội nên bà khởi kiện ra Tòa án yêu cầu Công ty N phải đóng bảo hiểm xã hội cho bà từ tháng 01/2016 đến tháng 05/2018, đồng thời chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội cho bà.

1. Bà H có đủ điều kiện hưởng lương hưu hay không?

2. Yêu cầu của bà H được giải quyết như thế nào?

3. Hành vi của Công ty N sẽ bị xử lý như thế nào?

Ban biên tập
13-01-2021

1. Căn cứ Điều 53 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, do bà H là người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật này nên bà là đối tượng áp dụng chế độ hưu trí.

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, bà H đủ điều kiện hưởng lương hưu vì khi nghỉ việc bà đủ 55 tuổi (sinh tháng 05/1963), có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 10/1990) và bà có đủ 15 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại (làm việc từ tháng 10/1990).

2. Yêu cầu của bà H được giải quyết như sau:

Căn cứ khoản 1, khoản 3 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, bà H có quyền được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này, bên cạnh đó, bà có quyền được nhận lương hưu đầy đủ, kịp thời.

Căn cứ khoản 2, khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người sử dụng lao động là Công ty N có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của bà N theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội và phải phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho bà N.

Căn cứ khoản 3 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hành vi của Công ty N hằng tháng đều trích từ tiền lương của bà H nhưng không đóng bảo hiểm xã hội cho bà từ tháng 01/2016 đến tháng 05/2018 là hành vi chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích chính đáng, phù hợp của bà và đây là hành vi bị nghiêm cấm.

Như vậy, căn cứ các quy định trên, Công ty N phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho bà H từ tháng 01/2016 đến tháng 05/2018, bên cạnh đó còn phải có trách nhiệm chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội cho bà.

3. Công ty N bị xử lý như sau:

Căn cứ khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Công ty N phải trả tiền lãi phát sinh vì Công ty này đã có hành vi chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho bà H từ tháng 01/2016 đến tháng 05/2018. Như vậy, ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật thì Công ty N còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chưa đóng. Nếu Công ty N không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của Công ty để nộp số tiền chưa đóng, và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, nếu hành vi của Công ty N đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ Luật Hình sự thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận