Khoản chi đào tạo nghề mới cho người lao động có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không?

302 lượt xem

Công ty tôi là đơn vị may gia công xuất khẩu các sản phẩm may mặc cho nước ngoài nên sử dụng đến hơn 95% là lao động nữ. Trong thời gian gần đây, do có nhiều chuyển biến trong ngành may mặc nên công ty tôi dự định chuyển hướng sang ngành dệt thảm. Để thực hiện được định hướng trên, công ty tôi dự định cử một số chị em công nhân đi đào tạo nghề mới này. Xin hỏi nếu công ty tôi thực hiện việc này thì khoản chi đào tạo nghề mới này cho chị em có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không?

Ban biên tập
03-07-2020

Hiện nay, vấn đề bạn đề cập được quy định trong Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC và Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC với nội dung sau:

“1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.10. Các khoản chi được trừ sau đây nhưng nếu chi không đúng đối tượng, không đúng mục đích hoặc mức chi vượt quá quy định.

a) Các khoản chi thêm cho lao động nữ được tính vào chi phí được trừ bao gồm:

- Chi cho công tác đào tạo lại nghề cho lao động nữ trong trường hợp nghề cũ không còn phù hợp phải chuyển đổi sang nghề khác theo quy hoạch phát triển của doanh nghiệp.

Khoản chi này bao gồm: học phí (nếu có) + chênh lệch tiền lương ngạch bậc (đảm bảo 100% lương cho người đi học).

- Chi phí tiền lương và phụ cấp (nếu có) cho giáo viên dạy ở nhà trẻ, mẫu giáo do doanh nghiệp tổ chức và quản lý.

- Chi phí tổ chức khám sức khỏe thêm trong năm như khám bệnh nghề nghiệp, mãn tính hoặc phụ khoa cho nữ công nhân viên.

- Chi bồi dưỡng cho lao động nữ sau khi sinh con lần thứ nhất hoặc lần thứ hai.

- Phụ cấp làm thêm giờ cho lao động nữ trong trường hợp vì lý do khách quan người lao động nữ không nghỉ sau khi sinh con, nghỉ cho con bú mà ở lại làm việc cho doanh nghiệp được trả theo chế độ hiện hành; kể cả trường hợp trả lương theo sản phẩm mà lao động nữ vẫn làm việc trong thời gian không nghỉ theo chế độ.

b) Các khoản chi thêm cho người dân tộc thiểu số được tính vào chi phí được trừ bao gồm: học phí đi học (nếu có) cộng chênh lệch tiền lương ngạch bậc (đảm bảo 100% lương cho người đi học); tiền hỗ trợ về nhà ở, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số trong trường hợp chưa được Nhà nước hỗ trợ theo chế độ quy định.

…”

Căn cứ vào quy định trên và thông tin bạn cung cấp thì chúng tôi cho rằng khoản chi của Công ty bạn nếu là đào tạo nghề cho lao động nữ để phát triển thêm ngành nghề mới cho Công ty thì được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, để hồ sơ được đầy đủ, chúng tôi khuyến cáo công ty bạn nên chuẩn bị bộ hồ sơ sau để thuyết trình cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp khi bị yêu cầu giải trình là:

i) Quyết định cử nhân viên đi học, bồi dưỡng nâng cao trình độ, tay nghề

ii) Hóa đơn tiền học phí và các khoản khác liên quan

iii) Chứng từ thanh toán tiền học phí và các khoản liên quan đến việc học

iv) Hợp đồng đào tạo giữa công ty và đơn vị đào tạo

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận