Tiền lãi chậm nộp bảo hiểm cho người lao động có được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp không?

689 lượt xem

Công ty tôi hiện nay có số lượng người lao động lên đến hơn 500. Tuy nhiên, công ty lại chưa có Phòng nhân sự để thực hiện các công việc xác định các khoản lương, bảo hiểm… Vì vậy, đôi khi công ty cũng chậm trễ trong việc nộp bảo hiểm cho người lao động và bị Bảo hiểm tính tiền lãi chậm nộp cho phần chậm nộp này. Xin hỏi là khoản tiền bị phạt chậm nộp trên có được coi là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty không?

Ban biên tập
02-07-2020

 

Vấn đề bạn nêu hiện nay được quy định trong Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTCĐiều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính như sau:

“1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.36. Các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính bao gồm: vi phạm luật giao thông, vi phạm chế độ đăng ký kinh doanh, vi phạm chế độ kế toán thống kê, vi phạm pháp luật về thuế bao gồm cả tiền chậm nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các khoản phạt về vi phạm hành chính khác theo quy định của pháp luật.

…”

Đồng thời, căn cứ Điểm a Khoản 2 Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 22/08/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

“2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;…”

Theo các quy định trên và những gì bạn cung cấp, chúng tôi xác định rằng số tiền chậm đóng bảo hiểm mà bạn đề cập thực chất đó là khoản phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Vì vậy, khoản chi này không được coi là khoản chi được trừ theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận