Có được cầm cố quyền sử dụng đất? Cố đất có phải là cầm cố quyền sử dụng đất không?
534 lượt xem
Tôi thấy ở địa phương tôi, người ta vẫn nhắc đến
tình trạng “cố đất”. Vậy việc “cố đất” đó có phải là cầm cố quyền sử dụng đất
không?
Ban biên tập
31-08-2020
- Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 292 Bộ luật Dân sự 2015, trong số các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có cầm cố tài sản và thế chấp tài sản. Trong đó:
+ “Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” (Theo Điều 309 Bộ Luật Dân sự 2015). Bất động sản cũng có thể là đối tượng của cầm cố. (Căn cứ khoản 2 Điều 310 Bộ Luật Dân sự 2015).
“1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp”. (Điều 317 Bộ Luật Dân sự 2015). Tài sản thế chấp có thể là bất động sản, động sản (căn cứ theo Điều 318 Bộ Luật Dân sự 2015).
+ Tại Mục 7 Chương XVI Bộ Luật Dân sự 2015, Điều 500 - Hợp đồng về quyền sử dụng đất – quy định: “Hợp đồng về quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất hoặc thực hiện quyền khác theo quy định của Luật đất đai cho bên kia; bên kia thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng với người sử dụng đất”.
- Trước đây, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ này cũng đã được quy định tại các điều 318, 326, 342 Bộ Luật Dân sự 2005. Tuy nhiên, tại Phần thứ năm – Quy định về chuyển quyền sử dụng đất, Chương XXX – chỉ quy định về hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, theo đó: “Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên sử dụng đất (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng quyền sử dụng đất của mình để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp). Bên thế chấp được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn thế chấp. (Điều 715). Khoản 2 Điều 691 Bộ luật Dân sự 2005 – nguyên tắc chuyển quyền sử dụng đất – quy định: “Khi chuyển quyền sử dụng đất, các bên có quyền thoả thuận về nội dung của hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất nhưng phải phù hợp với quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai”.
- Trong các quyền giao dịch quyền sử dụng đất của người sử dụng đất được Luật Đất đai 2003 trước đây - tại Điều 106 – và Luật Đất đai 2013 hiện nay, tại khoản 1 Điều 167, đều quy định: “1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này”.
- Như vậy, theo quy định pháp luật về đất đai và Bộ luật Dân sự, khi thỏa mãn những điều kiện nhất định do pháp luật quy định, người sử dụng đất có quyền thế chấp quyền sử dụng đất. Pháp luật không quy định quyền cầm cố quyền sử dụng đất, vì vậy, việc “cố đất” ở địa phương bạn chỉ là những giao dịch tự phát trên thực tế mà thôi.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.