Chuyển tuyến điều trị bảo hiểm y tế

111 lượt xem
Người lao động được chuyển tuyến điều trị khi nào và thủ tục chuyển tuyến thực hiện như thế nào?
Ban biên tập
18-01-2021

Theo quy định tại Điều 27 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014 bởi Luật số 46/2014/QH13), người lao động sẽ được chuyển tuyến điều trị trong trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật, lúc này cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế có trách nhiệm chuyển người bệnh kịp thời đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế khác theo quy định về chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.

Về thủ tục chuyển tuyến điều trị:

Theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 28 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014 bởi Luật số 46/2014/QH13) và khoản 5 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, thủ tục chuyển tuyến điều trị được quy định như sau:

Khi chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, người lao động tham gia bảo hiểm y tế phải xuất trình hồ sơ chuyển tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và giấy chuyển tuyến theo Mẫu số 6 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 nhưng đợt điều trị chưa kết thúc thì được sử dụng giấy chuyển tuyến đó đến hết đợt điều trị.

Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia bảo hiểm y tế phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Mẫu số 5 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Trên đây là các quy định về trường hợp người lao động được chuyển tuyến điều trị và thủ tục chuyển tuyến kèm theo.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận