Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân có quyền thành lập doanh nghiệp khác hay không? Xác định tư cách nguyên đơn, bị đơn trước Trọng tài hoặc Tòa án trong tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp tư nhân?

456 lượt xem

Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Bình Minh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp năm 2016, do ông Thắng là chủ sở hữu. Quá trình hoạt động của doanh nghiệp đã xảy ra các sự kiện sau:

- Đầu năm 2019, để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình, ông Thắng có các dự định sau: (i) thành lập thêm một DNTN khác; (ii) ông Thắng góp vốn cùng với bà Huệ thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên.

- Ngày 18/08/2019, một đối tác kinh doanh của DNTN khởi kiện yêu cầu DNTN Bình Minh bồi thường thiệt hại do doanh nghiệp vi phạm hợp đồng đã ký giữa hai doanh nghiệp.

1. Ông Thắng có thể thực hiện các dự định thành lập doanh nghiệp của mình hay không?

2. Đối tác kinh doanh sẽ khởi kiện doanh nghiệp tư nhân Bình Minh hay khởi kiện ông Thắng?

Ban biên tập
17-07-2020

Đối với các dự định về thành lập doanh nghiệp:

Thứ nhất: ông Thắng không thể thành lập thêm doanh nghiệp tư nhân (DNTN) khác.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 183 LuậtDoanh nghiệp năm 2014, mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một DNTN. Quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 xuất phát từ chế độ trách nhiệm tài sản vô hạn của DNTN, buộc chủ sở hữu phải tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Cho nên, để phòng tránh các rủi ro có thể xảy ra, đồng thời bảo vệ cho quyền lợi của bên thứ ba (như quyền lợi của chủ nợ, người lao động, Nhà nước…), Luật Doanh nghiệp đã đưa ra quy định về hạn chế quyền thành lập DNTN đối với chủ sở hữu. Như vậy, ông Thắng chỉ có thể thành lập và làm chủ sở hữu một DNTN, không thể thành lập thêm DNTN khác.

Thứ hai, ông Thắng có thể góp vốn với bà Huệ để thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 không có quy định cấm hay hạn chế quyền thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên của chủ sở hữu DNTN. Cho nên, để phát triển “sản nghiệp” của mình, ông Thắng có thể tự do đầu tư vốn thành lập các công ty để kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận. Do đó, trong trường hợp này, nếu bà Huệ cũng có quyền thành lập doanh nghiệp thì bà Huệ và ông Thắng có thể cùng nhau góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên.

Đối với vấn đề đối tác kinh doanh khởi kiện DNTN vi phạm hợp đồng:

Theo khoản 3 Điều 185 Luật Doanh nghiệp năm 2014, chủ DNTN là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp. Quy định này dễ hiểu bởi vì các tranh chấp liên quan đến kinh doanh thương mại thì các đương sự sẽ có yêu cầu về thanh toán. Trong khi đó, DNTN không phải là chủ thể của quan hệ pháp luật sở hữu (không có tài sản), vì vậy chủ DNTN là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, chứ không phải là DNTN. Mặc dù tranh chấp liên quan đến DNTN nhưng trong tình huống này, đối tác kinh doanh sẽ khởi kiện chủ sở hữu doanh nghiệp, chứ không phải doanh nghiệp. Vì vậy, bị đơn trong trường hợp này là ông Thắng với tư cách của chủ sở hữu của DNTN Bình Minh.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận