Các trường hợp thực sự cần thiết người dân TP. HCM được phép ra ngoài theo tinh thần tại Chỉ thị 12
514 lượt xem
Cho hỏi khi TP. HCM áp dụng Chỉ thị 12 nhằm siết chặt việc thực hiện Chỉ thị 16 thì những trường hợp nào được xem là thực sự cần thiết mà người dân TP. HCM được phép ra ngoài?
Ban biên tập
27-07-2021
Ngày 22/7/2021, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên vừa ký ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về việc tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. HCM. Theo đó, thành phố tiếp tục áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 theo hướng dẫn tại Công văn 2279/UBND-VX ngày 08/7/2021 và áp dụng thêm một số biện pháp tăng cường theo Chỉ thị 12 được hướng dẫn tại Công văn 2468/UBND-VX ngày 23/7/2021.
Trong đó, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện triệt để các quy định về giãn cách, nhất là việc bảo đảm giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình. Người dân chỉ được phép ra ngoài khi thực sự cần thiết để:
(1) Cấp cứu
(2) Mua thực phẩm thiết yếu tại những nơi cung cấp theo quy định.
(3) Làm việc tại các cơ quan đơn vị được phép hoạt động dưới đây:
- Các cơ quan, đơn vị nhà nước: trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở.
- Ngân hàng, chứng khoán hoạt động ở mức độ duy trì công suất tối thiểu để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết.
- Các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu:
+ Y tế (trừ các hoạt động thẩm mỹ thực hiện tại các cơ sở: bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa), dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn công nghiệp cho các bệnh viện, các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị, các doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ”;
+ Các bếp ăn từ thiện;
+ Cung cấp điện, nước, xăng dầu, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, duy tu các lĩnh vực giao thông đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị, vận chuyển hàng hóa thiết yếu;
+ Kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ;
+ Các đơn vị đang phục vụ công tác hậu cần trong phòng, chống dịch;
+ Các cơ sở lưu trú (khách sạn) đang thực hiện hỗ trợ các đội ngũ y bác sĩ lưu trú và phục vụ cách ly cho các chuyên gia và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và bảo đảm an toàn.
- Các loại hình giao thông vận tải được phép lưu thông.
- Các hoạt động cung ứng lương thực, thực phẩm (hình thức như chợ truyền thống) hoạt động theo mô hình mới (theo hướng dẫn của Sở Công Thương).
- Các công trình xây dựng, giao thông thật sự cấp bách và phải đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm”.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.