Chính sách miễn giảm thuế khi gặp hỏa hoạn
202 lượt xem
Hiện nay, gia đình tôi đang kinh doanh với tư cách là hộ kinh doanh. Vừa rồi, nhà tôi bị cháy do chập điện. Tôi nghe nói là nhà nước có chính sách miễn giảm thuế khi gặp hỏa hoạn. Xin hỏi có phải vậy không?
Ban biên tập
09-07-2020
Thứ nhất, căn cứ về miễn giảm thuế khi bị hỏa hoạn gồm
- Quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật số 106/2016/QH13 thì:
“Điều 3, Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế số 78/2006/QH1 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13 và Luật số 71/2014/QH13:
Điều 61. Miễn thuế, giảm thuế
Cơ quan quản lý thuế thực hiện miễn thuế, giảm thuế đối với các trường hợp thuộc diện miễn thuế, giảm thuế được quy định tại các văn bản pháp luật về thuế và miễn thuế đối với hộ gia đình, cá nhân có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp hằng năm từ năm mươi nghìn đồng trở xuống.”
- Quy định tại Điều 5 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 về giảm thuế thu nhập cá nhân:
“Điều 5. Giảm thuế
Đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.”
- Điều 9 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 quy định về giảm thuế TTĐB cũng quy định:
“Điều 9. Giảm thuế
Người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn bất ngờ được giảm thuế.
Mức giảm thuế được xác định trên cơ sở tổn thất thực tế do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây ra nhưng không quá 30% số thuế phải nộp của năm xảy ra thiệt hại và không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường (nếu có).”
- Khoản 1 Điều 9 Luật thuế tài nguyên năm 2009 quy định về miễn, giảm thuế Tài nguyên:
“Điều 9. Miễn, giảm thuế
1. Người nộp thuế tài nguyên gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ gây tổn thất đến tài nguyên đã kê khai, nộp thuế thì được xét miễn, giảm thuế phải nộp cho số tài nguyên bị tổn thất; trường hợp đã nộp thuế thì được hoàn trả số thuế đã nộp hoặc trừ vào số thuế tài nguyên phải nộp của kỳ sau.
…”
Thứ hai, quy định về loại thuế áp dụng theo phương pháp khoán
- Khoản 1, 2 Điều 23 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định:
“Điều 23. Khai thuế đối với trường hợp nộp thuế theo phương pháp khoán thuế.
1. Khai thuế theo năm áp dụng đối với hoạt động kinh doanh thường xuyên của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán.
2. Cá nhân, hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường, thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp cá nhân, hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán có mức doanh thu thuộc diện không phải nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng và có thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật thuế thu nhập cá nhân thì không phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.
Cơ quan thuế thực hiện công khai danh sách hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc diện không phải nộp theo phương pháp khoán và công khai số thuế phải nộp của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán đầy đủ, kịp thời trên trang thông tin điện tử của ngành thuế.
Bộ Tài chính quy định việc công bố công khai mức thuế các hộ, cá nhân kinh doanh nộp ngân sách nhà nước quy định của Điều này.”
Căn cứ vào các quy định, chúng tôi cho rằng việc xét miễn (giảm) thuế đối trường hợp cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán bị hỏa hoạn không áp dụng đối với thuế GTGT, chỉ áp dụng đối với các loại thuế thu nhập cá nhân, thuế TTĐB, thuế Tài nguyên. Cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán khi bị thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo có văn bản đề nghị miễn (giảm) thuế theo mẫu số 01/MGTH ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC để được cơ quan quản lý thuế trực tiếp xem xét thực hiện miễn (giảm) thuế phải nộp cho hộ kinh doanh nộp thuế khoán theo quy định của pháp luật thuế.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.