Chi trang phục cho người lao động có được coi là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp không?
1K lượt xem
Hiện nay, công ty tôi
dự kiến sẽ chi khoản trang phục cho người lao động trong công ty. Tuy nhiên,
công ty tôi chưa rõ lắm về các khoản chi trang phục này có thể chi theo những
hình thức nào? Làm sao để các khoản chi trang phục này được trừ khi tính thu
nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp?
Ban biên tập
02-07-2020
Việc chi trang phục cho người lao động hiện nay có quy định tại Khoản 1, 2 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTChướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014, Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính với nội dung sau:
“1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều
này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động
sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy
định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng
lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh
toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
…
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập
chịu thuế bao gồm:
…
2.7. Phần chi trang phục bằng hiện vật cho người lao động
không có hóa đơn, chứng từ. Phần chi trang phục bằng tiền cho người lao động vượt
quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm.
Trường hợp doanh nghiệp có chi trang phục cả bằng tiền
và hiện vật cho người lao động để được tính vào chi phí được trừ thì mức chi
tối đa đối với chi bằng tiền không vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm, bằng
hiện vật phải có hóa đơn, chứng từ”.
Theo quy định trên, pháp luật hiện nay cho phép các
doanh nghiệp có thể chi trang phục cho người lao động thông qua 2 hình thức chi
là: chi bằng hiện vật và chi bằng tiền.
Theo đó, yêu cầu chung của khoản chi trang phục lao động
là khoản chi này phải được xác định cụ thể trong:
- Hợp đồng lao động;
- Thỏa ước lao động tập thể;
- Quy chế tài chính của Công ty.
* Thứ nhất, chi trang phục cho người lao động bằng
hiện vật
Nếu công ty bạn chọn chi trang phục cho người lao động
bằng hiện vật thì công ty bạn được tính đưa toàn bộ khoản chi này vào chi phí
hợp lý của doanh nghiệp (nếu có đủ hóa đơn, chứng từ hợp lý, hợp lệ).
Hồ sơ bao gồm
- Quyết định chi trang phục bằng hiện vật cho người
lao động của giám đốc doanh nghiệp.
- Quy chế tài chính của doanh nghiệp.
- Danh sách người lao động được nhận hiện vật có chữ
ký đầy đủ của nhân viên
- Chứng từ khi mua hàng với nhà cung cấp trang phục:
+ Hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp và nhà cung cấp
trang phục
+ Biên bản giao nhận hàng hóa giữa doanh nghiệp và nhà
cung cấp
+ Hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng của nhà cung cấp
trang phục và kèm theo chứng từ theo quy định như: phiếu chi tiền mặt nếu doanh
nghiệp thanh toán bằng tiền mặt với điều kiện tổng tiền thanh toán nhỏ hơn 20
triệu đồng hoặc chứng từ thanh toán qua ngân hàng (lệnh chi, giấy báo nợ,…):
nếu doanh nghiệp thanh toán bằng chuyển khoản.
* Thứ hai, chi trang phục cho người lao động bằng tiền
mặt
Theo quy định hiện hành thì nếu chi trang phục cho người
lao động bằng tiền thì chỉ được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập
doanh nghiệp phần chi trang phục từ 5 triệu đồng/người/năm trở xuống, còn nếu
phần chi trang phục bằng tiền mặt trên 5 triệu đồng/người/năm không được tính
vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp cho phần vượt trên 5 triệu đồng/người/năm.
Hồ sơ bao gồm
- Quyết định chi trang phục bằng tiền mặt cho người
lao động của giám đốc doanh nghiệp.
- Quy chế tài chính của doanh nghiệp.
- Danh sách người lao động được nhận tiền chi trang
phục có chữ ký đầy đủ của nhân viên
- Chứng từ thanh toán: phiếu chi tiền mặt nếu doanh
nghiệp thanh toán bằng tiền mặt với điều kiện tổng tiền thanh toán nhỏ hơn 20
triệu đồng hoặc chứng từ thanh toán qua ngân hàng (lệnh chi, giấy báo nợ,…):
nếu doanh nghiệp thanh toán bằng chuyển khoản.
* Thứ ba, chi trang phục cho người lao động đồng thời
bằng tiền mặt và hiện vật
Về nguyên tắc, áp dụng đồng thời cả hai nội dung trên.
Điều đó có nghĩa là: đối với phần chi là hiện vật thì số chi được tính toàn bộ
vào chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu có đầy
đủ hóa đơn, chứng từ hợp lý); đối với phần chi trang phục bằng tiền thì số tiền
từ 5 triệu đồng/người/năm trở xuống được tính vào chi phí hợp lý.
Hồ sơ bao gồm: các loại giấy tờ của hai trường hợp trên.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.