Quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ được bảo vệ như thế nào lao khi NSDLĐ chậm trả sổ bảo hiểm xã hội? Chế tài đối với người sử dụng lao động đóng thiếu bảo hiểm xã hội? Và trình tự, thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của NLĐ?

243 lượt xem
Bên tranh chấp 1: Bà Huỳnh Thị T – sinh năm 1952.
Bên tranh chấp 2: Công ty Trách nhiệm hữu hạn May mặc N.
Bên liên quan khác: Bảo hiểm xã hội huyện C, Thành phố H.

Bà Huỳnh Thị T làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn May mặc N (gọi tắt là Công ty N) từ tháng 11 năm 2012, vị trí công việc là nấu ăn tại văn phòng công ty N. Tháng 12/2016, bà chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty N. Tuy nhiên, Công ty N chậm đóng bảo hiểm xã hội nên đến tháng 4/2017 mới giao sổ bảo hiểm xã hội cho bà T nhưng thời điểm đó đã quá thời hạn nộp sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm để đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp khiến bà không thể thực hiện việc nộp hồ sơ đúng hạn, do đó không được thanh toán trợ cấp thất nghiệp.

Nay bà T khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty N phải trả tiền trợ cấp thất nghiệp cho bà.

1. Hành vi chậm đóng và giao sổ bảo hiểm xã hội cho bà T quá thời hạn quy định của Công ty N vi phạm quy định nào của Luật Bảo hiểm xã hội 2014?

2. Yêu cầu của bà T được giải quyết như thế nào?

3. Bà T phải thực hiện trình tự, thủ tục như thế nào để được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định?

Ban biên tập
14-01-2021

1. Hành vi chậm đóng bảo hiểm, chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội quá thời hạn cho bà T của Công ty N là hành vi bị cấm theo quy định tại khoản 2 và khoản 6 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Theo đó, căn cứ khoản 2 và khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội cho bà T của Công ty N đã vi phạm quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo điểm a khoản 4 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, Công ty N sẽ bị xử phạt hành chính từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.

Đồng thời, việc chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội cho bà T quá thời gian quy định sau khi chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty N đã vi phạm quy định về việc trả sổ bảo hiểm cũng như xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp động theo thời hạn luật định, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền lợi của bà T. Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.

2. Việc bà T không thực hiện việc nộp hồ sơ đúng hạn để được hưởng trợ cấp thất nghiệp là lỗi thuộc về Công ty N, do đó Công ty phải bồi thường tiền trợ cấp thất nghiệp cho bà T tương ứng thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội là 04 năm 02 tháng (từ tháng 11/2012 đến tháng 12/2016) theo quy định tại Điều 50 Luật Việc làm 2013. Ngoài ra, tiền trợ cấp thất nghiệp của bà T được cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện C quản lý theo số sổ bảo hiểm xã hội của bà được xử lý theo quy định của pháp luật. 

3. Trong trường hợp của bà T, vì bà không được Công ty trả sổ bảo hiểm đúng thời gian quy định khiến bà không kịp gửi hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp, do đó nếu bà tiếp tục đi làm và đóng bảo hiểm xã hội thì thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của bà T được bảo lưu cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo.

Theo quy định tại Điều 46 Luật Việc làm 2013 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, trong lần nhận trợ cấp tiếp theo bà cần thực hiện thủ tục như sau:

Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, bà phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý Nhà nước về việc làm thành lập. Căn cứ Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, hồ sơ của bà bao gồm:

1. Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu;

2. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp đồng lao động đã hết hạn hoặc các quyết định có thể xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động của bà;

3. Sổ bảo hiểm xã hội của bà.

Nếu trong thời hạn trên, bà gặp trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật khiến bà không thể tự mình nộp hồ sơ thì có thể ủy quyền cho người khác nộp hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện.

Sau khi nhận hồ sơ của bà đúng thời hạn nêu trên, cơ quan bảo hiểm sẽ giải quyết theo trình tự, thủ tục luật định.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận