Quy định về hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động như thế nào?
260 lượt xem
Bên tranh chấp 1: Ông Lê T, sinh năm 1978
Bên tranh chấp 2: Công ty N
Ngày
04/7/2014, ông T bắt đầu làm việc tại Công ty N. Ngày 01/3/2019 ông T nộp đơn
xin thôi việc và đến ngày 15/4/2019, ông T nghỉ việc. Ông T yêu cầu Công ty chốt
và trả sổ bảo hiểm xã hội cho ông đến ngày 29/02/2019 để ông làm thủ tục hưởng
trợ cấp thất nghiệp nhưng Công ty không chấp nhận.
Do
đó, ông khởi kiện yêu cầu Công ty phải chốt và trả sổ bảo hiểm cho ông theo quy
định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
1.
Hành vi không chốt và trả sổ của Công ty N bị xử lý như thế nào?
2.
Điều kiện và thủ tục mà ông T cần đáp ứng để hưởng trợ cấp thất nghiệp?
3.
Mức hưởng và thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông T được quy định như thế
nào?
Ban biên tập
14-01-2021
1. Căn cứ Điều 17 và khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, việc chốt, trả sổ bảo hiểm cho người lao động là trách nhiệm của Công ty. Do đó, hành vi không thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng bảo hiểm để ông T hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp của Công ty N là hành vi bị nghiêm cấm thực hiện vì nó gây cản trở và làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Theo điểm b khoản 2 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, hành vi trên của Công ty N sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
2. Căn cứ Điều 49 Luật Việc làm 2013, người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
+ Chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật;
+ Có đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi nghỉ việc;
+ Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động;
+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày.
Trong trường hợp này, ông T còn thiếu điều kiện thứ ba nêu trên. Vì vậy, ngay khi được Công ty trả sổ bảo hiểm ông phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm trước khi hết thời hạn 03 tháng quy định ở trên. Căn cứ Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, hồ sơ của ông bao gồm:
+ Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu;
+ Giấy tờ chứng minh ông đã chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty đúng quy định;
+ Sổ bảo hiểm xã hội của ông. Nếu trong thời hạn trên, ông gặp trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật khiến ông không thể tự mình nộp hồ sơ thì có thể ủy quyền cho người khác nộp hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện.
Sau khi nhận hồ sơ đúng thời hạn nêu trên, cơ quan bảo hiểm sẽ giải quyết theo trình tự, thủ tục luật định.
3. Về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp:
Căn cứ Điều 50 Luật Việc làm 2013 và Điều 8 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của ông được tính bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi ông nghỉ việc nhưng tối đa không qua 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật.
Về thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp:
Cứ đóng đủ từ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó cứ đóng đủ thêm 12 tháng nữa thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đã không hưởng quá 12 tháng. Những tháng lẻ sẽ được bảo lưu cho lần hưởng tiếp theo theo quy định tại khoản 7 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP.
Vì ông T đã đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 7/2014 đến hết tháng 02/2019, theo quy định trên ông sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 04 tháng với mức lương tính theo công thức như trên.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.