Trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn lao động là gì? Mức trợ cấp tuất hằng tháng là bao nhiêu và trình tự, thủ tục hưởng chế độ tử tuất trong trường hợp đã nêu.

500 lượt xem
Bên tranh chấp 1: Bà Trần Thị Ngọc B, sinh năm 1995

Bên tranh chấp 2: Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại V (tên mới là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại V
Bên liên quan khác: Cháu Phạm Trần Ngọc H, sinh ngày 04/8/2013. Do bà Trần Thị Ngọc B sinh năm 1995 (mẹ ruột cháu H).

Bà Trần Thị Ngọc B là vợ của ông Phạm Anh T. Ông T là công nhân lao động cho Công ty Thương mại V từ tháng 3/2016. Ngày 11/8/2016 trong lúc đang làm việc tại Cơ sở 2 của Công ty V thì ông T bị tai nạn lao động do máy dập lỗ đè chết, theo biên bản điều tra tai nạn lao động ngày 09/3/2017 của Sở Lao động Thương Binh và Xã hội tỉnh B xác định: Lỗi dẫn đến tai nạn lao động là do Công ty V không xây dựng và thực hiện đúng quy trình an toàn lao động và không hướng dẫn cho ông T trước khi tổ chức làm việc. Sau khi ông T chết, Công ty V đã bồi thường cho gia đình ông T các khoản tiền theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội số tiền 206.000.000 đồng.

Tuy nhiên, Công ty chưa thực hiện việc trả tiền tuất hằng tháng cho thân nhân của ông T là cháu Phạm Trần Ngọc H theo quy định của pháp luật. Do đó, bà B khởi kiện yêu cầu Công ty V trả tiền tuất hàng tháng cho con của ông T mức 50% lương cơ sở hiện nay, thời điểm cấp dưỡng tính từ tháng 8/2016 cho đến khi cháu H đủ 18 tuổi.

1. Trợ cấp khi ông T chết do tai nạn lao động được tính như thế nào?

2. Yêu cầu của bà B được giải quyết như thế nào?

3. Thân nhân ông T cần thực hiện thủ tục gì để được hưởng chế độ tử tuất?

Ban biên tập
15-01-2021

1. Theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, vì ông T là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại điểm a khoản 1 Điều 43 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nên ông là đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động.

Căn cứ khoản 1 Điều 53 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, vì ông T đang làm việc thì bị chết do tai nạn lao động nên thân nhân của ông được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 (ba mươi sáu) lần mức lương cơ sở tại tháng ông T bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Giả sử: Mức lương cở sở tại tháng ông T chết là 1.210.000 đồng (theo Nghị định 47/2016/NĐ-CP), vậy thân nhân của ông sẽ được hưởng trợ cấp một lần khi ông chết do tai nạn lao động là: 1.210.000 đồng × 36 = 43.560.000 đồng

2. Yêu cầu của bà B được giải quyết như sau:

Yêu cầu của bà B buộc Công ty V phải trả trợ cấp tuất hằng tháng cho cháu H sẽ không được chấp nhận vì căn cứ khoản 5 Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trách nhiệm chi trả trợ cấp tuất hằng tháng thuộc về cơ quan bảo hiểm xã hội mà không phải là người sử dụng lao động (Công ty V).

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, do ông T là người lao động chết do tai nạn lao động, cụ thể là chết do máy dập lỗ đè trong lúc đang làm việc thì thân nhân của ông được hưởng tiền tuất hằng tháng.

Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, do con ông T là cháu H chưa đủ 18 tuổi do sinh ngày 04/8/2013 nên cháu H là thân nhân của ông và sẽ được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.

Căn cứ khoản 1 Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân của ông T là cháu H bằng 50% mức lương cơ sở.

Ngoài ra, cần lưu ý: Theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện kể từ tháng liền kề sau tháng mà ông T chết. Cụ thể là tháng 9/2016.

Bên cạnh đó, căn cứ điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lo mai táng cho ông T sẽ được nhận một lần trợ cấp mai táng với mức bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà ông T chết.

Giả sử: Mức lương cở sở tại tháng ông T chết là 1.210.000 đồng (theo Nghị định 47/2016/NĐ-CP), vậy thân nhân của ông sẽ được hưởng một lần trợ cấp mai táng khi ông chết do tai nạn lao động là: 1.210.000 đồng × 10 = 12.100.000 đồng

Như vậy, vì yêu cầu của bà B không được chấp nhận nên bà B có nghĩa vụ nộp hồ sơ hưởng chế độ tử tuất cho cơ quan bảo hiểm xã hội để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

3. Thủ tục hưởng chế độ tử tuất:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 111 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, bà B cần chuẩn bị hồ sơ hưởng chế độ tử tuất bao gồm những giấy tờ như sau:

+ Sổ bảo hiểm xã hội;

+ Bản sao giấy chứng tử

+ Tờ khai của thân nhân và biên bản họp của các thân nhân đối với trường hợp đủ điều kiện hưởng hằng tháng nhưng chọn hưởng trợ cấp tuất một lần;

+ Biên bản điều tra tai nạn lao động

Tiếp đến, theo quy định tại Điều 112 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ông T bị chết thì thân nhân của ông nộp hồ sơ với những giấy tờ như trên cho người sử dụng lao động là Công ty V. Sau đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ thân nhân ông T, Công ty V nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội để thân nhân của ông được cơ quan này giải quyết và tổ chức chi trả chế độ tử tuất.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận