Ai là đối tượng hưởng chế độ tuất hằng tháng? Số người được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của người lao động là bao nhiêu người? Thời điểm kết thúc hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của con chưa thành niên? Có được thay thế người hưởng trợ cấp tuất hằng tháng không?
328 lượt xem
Anh Lê Đình L tham gia đóng
bảo hiểm xã hội bắt buộc từ tháng 02/1996. Từ năm 2017, anh L làm việc theo hợp
đồng lao động không xác định thời hạn tại Công ty TNHH T.Đ. Ngày 14/5/2020,
trong quá trình làm việc tại Công ty, anh L bị tai nạn lao động và qua đời cùng
ngày.
Tại thời điểm chết, anh L
có vợ (chị Trần Tố C) sinh năm 1975 và 02 con gái. Vợ anh L đang ở nhà làm nội
trợ và buôn bán cà phê tại nhà, thu nhập mỗi tháng từ việc bán cà phê của chị C
là 1.500.000 đồng/tháng. Con gái thứ nhất của anh L sinh năm 1999. Con gái thứ
hai sinh năm 2003.
Ngày 10/7/2020, chị C xin
làm đơn xin hưởng chế độ tử tuất hằng tháng cho những người: Con gái thứ hai; mẹ
anh L sinh năm 1949; và cả chị C.
Sau khi nhận được hồ sơ, cơ
quan bảo hiểm xã hội đã từ chối giải quyết chế độ tuất hằng tháng cho chị C với
lý do chị C không phải là đối tượng được hưởng chế độ này.
1. Chị C có phải là đối tượng
được hưởng chế độ tuất hằng tháng hay không?
2. Số người tối đa được hưởng
chế độ tử tuất hằng tháng khi anh L chết là bao nhiêu người?
3. Trường hợp con gái thứ
hai của chị C được hưởng chế độ tử tuất hằng tháng, khi người con này đủ 18 tuổi
thì có được hưởng chế độ tử tuất tiếp tục được hay không?
4. Trường hợp con gái thứ
hai của chị C được hưởng chế độ tử tuất hằng tháng, khi người con này đủ 18 tuổi,
không được tiếp tục hưởng chế độ thì gia đình chị C có được thay người con thứ
hai bởi ông, bà ngoại để hưởng chế độ tử tuất hằng tháng hay không?
Ban biên tập
18-01-2021
1. Chị C có phải là đối tượng được hưởng chế độ tuất hằng tháng hay không?
Vì anh L bị tai nạn lao động dẫn đến tử vong nên căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thân nhân của anh thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng. Theo khoản 2 Điều này, thân nhân được hưởng trợ cấp của người lao động bị tai nạn lao động tử vong bao gồm:
“a) Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai;
b) Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ;
d) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.”
Theo quy định trên, những người thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của anh L bao gồm: con chưa thành niên và mẹ của anh L. Chị C không thuộc đối tượng được hưởng loại trợ cấp này vì khi anh L mất, chị mới chỉ 45 tuổi và không bị suy giảm khả năng lao động. Do đó, việc Công ty từ chối hồ sơ của chị với lý do trên là đúng quy định pháp luật.
2. Số người tối đa được hưởng chế độ tử tuất hằng tháng khi anh L chết là bao nhiêu người?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, nếu có 01 người chết do tai nạn lao động thì số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng tối đa không quá 04 người. Nếu có 02 người chết trở lên thì thân nhân được hưởng 02 lần mức trợ cấp theo quy định. Trong trường hợp này, gia đình chỉ có anh L chết vì tai nạn lao động nên theo quy định trên, sẽ có tối đa 04 thân nhân của anh được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.
3. Trường hợp con gái thứ hai của chị C được hưởng chế độ tử tuất hằng tháng, khi người con này đủ 18 tuổi thì có được hưởng chế độ tử tuất tiếp tục được hay không?
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì con chưa thành niên của anh L thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng. Tuy nhiên, khi đứa trẻ đủ 18 tuổi, cần dựa vào mục 4 Công văn 3432/LĐTBXH-BHXH để xác định tuổi hưởng chế độ tử tuất. Theo đó, con gái thứ hai của anh L sẽ được nhận trợ cấp đến hết tháng liền kề trước tháng sinh của năm đứa trẻ đủ 18 tuổi.
Như vậy, khi con gái anh L sẽ không còn được nhận trợ cấp tuất hằng tháng tính từ tháng đầu tiên đủ 18 tuổi.
4. Trường hợp con gái thứ hai của chị C được hưởng chế độ tử tuất hằng tháng, khi người con này đủ 18 tuổi, không được tiếp tục hưởng chế độ thì gia đình chị C có được thay người con thứ hai bởi ông, bà ngoại để hưởng chế độ tử tuất hằng tháng hay không?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội, thứ nhất, cần xác định ông bà ngoại (tức cha mẹ vợ anh L) có mức thu nhập hằng tháng như thế nào. Thứ hai, cần xác định ông bà có đủ điều kiện về tuổi theo quy định (đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ hoặc dưới độ tuổi trên nhưng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên) hay không. Nếu đủ điều kiện, thì phải đưa ông bà vào danh sách thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng ngay từ đầu theo quy định, còn nếu không đủ điều kiện thì ông bà không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và cũng không được thay thế người con thứ hai để nhận trợ cấp.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.