TÀI
LIỆU HƯỚNG DẪN NHÂN VIÊN Y TẾ TRƯỜNG HỌC VỀ CHĂM SÓC MẮT VÀ PHÒNG, CHỐNG SUY
GIẢM THỊ LỰC CHO TRẺ EM TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON
(Kèm
theo Quyết định số /QĐ-BGDĐT ngày tháng năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
LỜI
NÓI ĐẦU
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát
triển kinh tế xã hội, tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị ở trẻ em, học
sinh ngày càng gia tăng do cuộc sống hiện đại đòi hỏi việc sử dụng mắt để học
tập và vui chơi giải trí ngày càng nhiều. Mặt khác sự quan tâm của cha mẹ học
sinh đến thị giác của con em nhiều nơi cũng còn hạn chế.
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy hơn
một nửa trẻ em bị mù có thể ngăn ngừa hoặc điều trị thành công nếu được phát
hiện sớm các triệu chứng bất thường về thị giác. Do đó việc phát hiện sớm và
khám sàng lọc tại tuyến cơ sở, đặc biệt tại trường học có vai trò vô cùng quan
trọng nhằm phát hiện sớm giảm thị lực và các vấn đề bất thường về mắt để kịp
thời điều trị, giúp trẻ em thoát khỏi mù lòa, đảm bảo chất lượng cuộc sống,
giảm gánh nặng gia đình, xã hội, đặc biệt là nâng cao sức khỏe và chất lượng
học tập của các em.
Các nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy một
trong các nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thị lực ở học sinh là tật khúc xạ.
Hầu hết các bệnh về mắt và tật khúc xạ đều có thể phục hồi thị lực tốt nếu được
phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Xuất phát từ thực tế đó, nhằm mục đích
hướng dẫn thực hiện các nội dung về chăm sóc mắt tại các cơ sở giáo dục mầm
non, được sự tài trợ Bộ Ngoại Giao và Thương Mại Úc cùng với Qũy Fred Hollows
(FHF), Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế biên soạn tài liệu “Hướng
dẫn nhân viên y tế trường học về chăm sóc mắt và phòng, chống suy giảm thị lực
cho trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non” dùng làm tài liệu tham khảo chuyên
môn cho nhân viên phụ trách công tác y tế trường học tại các cơ sở giáo dục mầm
non. Tài liệu có sự tham gia tư vấn kỹ thuật của nhóm chuyên gia các tổ chức Phi
chính phủ đang hoạt động tại Việt Nam như Orbis, ECF, BHVI...
Tài liệu được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu,
dễ nhớ và dễ thực hiện giúp nhân viên phụ trách công tác y tế trường học có
những kiến thức cơ bản về một số bệnh, tật về mắt thường gặp ở trẻ em mầm non
nhằm phát hiện giảm thị lực và nhận biết được các bệnh, tật về mắt thường gặp
tại trường học để xử trí và chuyển tuyến điều trị thích hợp.
Tài liệu được xây dựng gồm 03 phần với các
nội dung và 04 chuyên đề về đặc điểm, nguyên nhân, cách phòng chống và xử trí
một số bệnh, tật về mắt thường gặp ở trẻ em mầm non.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng đón nhận
các ý kiến đóng góp của bạn đọc gần xa để tài liệu hướng dẫn ngày càng hoàn
thiện. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ: Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Giáo
dục thể chất) 35 Đại Cồ Việt, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
MỤC
LỤC
STT | Nội
dung |
1 | Phần I. Những vấn đề chung về y
tế trường học trong việc chăm sóc mắt và phòng chống suy giảm thị lực cho trẻ
em mầm non |
2 | Phần II. Hướng dẫn chuyên môn y
tế trường học về chăm sóc mắt và phòng chống suy giảm thị lực cho trẻ em mầm
non |
3 | Phần III. Truyền thông phòng
chống các bệnh, tật về mắt và phòng, chống suy giảm thị lực cho trẻ em mầm
non |
CÁC
CHỮ VIẾT TẮT
GDĐT: Giáo dục và Đào tạo.
GDMN: Giáo dục Mầm non.
MN : Mầm non.
CSGD: Cơ sở giáo dục.
YTTH: Y tế trường học.
PHẦN
I
NHỮNG
VẤN ĐỀ CHUNG VỀ Y TẾ TRƯỜNG HỌC TRONG VIỆC CHĂM SÓC MẮT VÀ PHÒNG CHỐNG SUY GIẢM
THỊ LỰC CHO TRẺ EM MẦM NON
1. Vị trí, vai trò của y tế trường học về
chăm sóc mắt và phòng chống suy giảm thị lực cho trẻ em mầm non
1.1. Hệ thống y tế trường học
Y tế trường học tại Việt Nam chịu sự quản
lý của 2 ngành chính là Ngành Giáo dục & Đào tạo và ngành Y tế. Để thực
hiện nhiệm vụ này hai ngành tổ chức hệ thống quản lý để triển khai công tác y
tế trường học như sau:
a) Tại Trung ương
- Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào
tạo) là đơn vị tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác
quản lý, chỉ đạo hoạt động y tế trường học trong ngành giáo dục và đào tạo.
- Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) là
đơn vị tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế về công tác quản lý nhà nước về y tế
trường học; các Viện thuộc hệ y tế dự phòng và các Viện chuyên khoa đầu ngành
(Viện Răng hàm mặt, Viện Mắt trung ương...) có nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật, đào
tạo bồi dưỡng chuyên khoa cho các cán bộ y tế trường học các cấp.
b) Tại tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương
- Sở Giáo dục và Đào tạo có cán bộ chuyên
trách giúp Giám đốc Sở quản lý công tác y tế trường học, chỉ đạo Phòng Giáo dục
và Đào tạo tuyến huyện và các trường học thực hiện công tác YTTH, tổ chức triển
khai các chương trình y tế, các phong trào vệ sinh phòng bệnh... trong nhà
trường.
- Sở Y tế (Phòng Nghiệp vụ Y) có cán bộ
kiêm nhiệm giúp Giám đốc Sở quản lý công tác y tế trường học; Trung tâm Kiểm
soát bệnh tật tỉnh/thành phố có bộ phận y tế trường học với nhiệm vụ hướng dẫn
chuyên môn, nghiệp vụ cho tuyến dưới và phối hợp với Ngành Giáo dục địa phương
trong quá trình chỉ đạo và tổ chức triển khai công tác y tế trường học.
c) Tại tuyến quận, huyện
- Phòng Giáo dục và Đào tạo có cán bộ y tế
hoặc cán bộ kiêm nhiệm giúp Trưởng phòng quản lý công tác y tế trường học trên
địa bàn huyện.
- Trung tâm y tế huyện có cán bộ y tế
trường học để phối hợp với phòng Giáo dục và Đào tạo địa phương hướng dẫn, kiểm
tra các trường thực hiện công tác y tế trường học
d) Tuyến xã, phường
- Tại các trường học: Mỗi trường hoặc cụm
trường gần nhau có ít nhất một cán bộ y tế trường học. Trường hợp ở trường chưa
có cán bộ y tế thì nhà trường cử cán bộ kiêm nhiệm công tác y tế trường học.
- Trạm y tế xã, phường, thị trấn là một bộ
phận quan trọng trong hệ thống tổ chức quản lý y tế trường học, là đơn vị trực
tiếp hỗ trợ chuyên môn, theo dõi, quản lý công tác y tế trường học, hỗ trợ các
trường học đóng trên địa bàn.
1.2. Vị trí, vai trò
Chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho
trẻ em, học sinh đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển toàn diện về
thể chất, trí tuệ và tinh thần của thế hệ trẻ. Trẻ em, học sinh là thế hệ tương
lai của đất nước, sức khoẻ của học sinh hôm nay chính là sức khỏe của dân tộc
ta mai sau. Hiện nay, toàn quốc có trên 15.000 trường mầm non (bao gồm nhà trẻ,
trường mẫu giáo và trường mầm non) và trên 15.000 cơ sở giáo dục mầm non độc
lập (bao gồm nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập và lớp mầm non độc lập). Bên
cạnh sự quan tâm về giáo dục, trẻ em cần được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức
khỏe, phòng chống bệnh tật hay gặp và các bệnh do chính yếu tố học đường gây
nên trong đó có các bệnh về mắt. Trẻ em mầm non thuộc lứa tuổi đang lớn nhanh
và phát triển về mọi mặt, một số các bệnh, tật về mắt ở tuổi trưởng thành đều
bắt nguồn từ lứa tuổi trên. Vì vậy, muốn cho thế hệ tương lai khoẻ mạnh phải
chăm sóc cho các em ngay từ sớm.
Bên cạnh đó, môi trường trường lớp là nơi
tập trung đông người (35 - 50 em trong một lớp học), trong một thời gian dài
trong ngày (từ 5-8 tiếng) và trong năm (từ 9 - 10 tháng), là thời gian các em
gặp phải khá nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, nếu không có
sự chăm sóc kịp thời của Y tế trường học thì các em sẽ mắc các bệnh về mắt, tai
nạn thương tích, có thể để lại nhiều di chứng đi suốt cuộc đời các em. Nếu các
em được chăm sóc, cha mẹ được truyền thông giáo dục sức khỏe tốt sẽ có tác động
tích cực đến tình hình phòng, chống các bệnh, tật về mắt ở gia đình và cộng
đồng.
Trong tình hình kinh tế - xã hội có nhiều
thay đổi, bệnh tật học đường nói chung và một số bệnh, tật về mắt liên quan đến
lứa tuổi trẻ em, học sinh có xu hướng gia tăng và ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ và
năng lực học tập của các em. Mặc dù các em có nguy cơ mắc bệnh cao, nhưng có
thể được phòng chống hiệu quả thông qua việc phát hiện sớm và kiểm soát các yếu
tố nguy cơ gây các bệnh, tật ở mắt như: cải thiện điều kiện vệ sinh trường học,
dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực, thực hành vệ sinh cá nhân tốt,...
Y tế trường học có ý nghĩa quan trọng và
vô cùng cần thiết, trong những năm qua, ngành Y tế và Giáo dục đã có nhiều nỗ
lực xây dựng mạng lưới y tế trường học từ trung ương đến địa phương để thực
hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe học sinh, tạo nên môi trường thuận lợi để các
em học tập và phát triển tốt cả về thể chất và tinh thần. Sự phối hợp chặt chẽ
hiệu quả trong công tác y tế trường học đóng vai trò then chốt trong chăm sóc
mắt học đường. Nhân viên y tế trường học chủ động lên kế hoạch, phối hợp cùng
giáo viên chủ nhiệm để tiến hành kiểm tra thị lực tập trung cho trẻ ít nhất 01
lần/năm, lập danh sách những trẻ có vấn đề về thị lực chờ khám chuyên khoa,
việc thực hiện tốt bước sàng lọc thị lực, nhận biết được các bệnh mắt thường
gặp tại trường học phụ thuộc tinh thần trách nhiệm của đội ngũ nhân viên y tế
trường học và sự phối hợp tốt với y tế cơ sở địa phương.
2. Nhiệm vụ của nhân viên y tế trường học
trong công tác chăm sóc mắt và phòng, chống suy giảm thị lực cho trẻ em tại các
cơ sở giáo dục mầm non
2.1. Tổ chức các hoạt động quản lý,
bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trẻ em trong nhà trường
- Phối hợp với cơ sở y tế có chuyên môn về
mắt kiểm tra sức khỏe vào đầu năm học để đánh giá tình trạng thị lực của trẻ.
- Thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ,
phát hiện suy giảm thị lực và các bệnh tật khác để xử trí, chuyển đến cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh theo quy định và áp dụng chế độ học tập, rèn luyện phù hợp
với tình trạng sức khỏe.
- Phối hợp với các cơ sở y tế có đủ điều
kiện để tổ chức khám, điều trị các bệnh, tật và các vấn đề về mắt cho trẻ.
- Sơ cứu, cấp cứu ban đầu các chấn thương
về mắt theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.
- Tư vấn cho giáo viên, cha mẹ hoặc người
chăm sóc trẻ về các vấn đề liên quan đến bệnh, tật về mắt của trẻ; hướng dẫn
cho trẻ biết tự chăm sóc đôi mắt.
- Hướng dẫn nhà trường tổ chức bữa ăn học
đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, đa dạng thực phẩm, phù hợp với đối tượng và
lứa tuổi.
- Phối hợp với cơ sở y tế địa phương trong
việc tổ chức các chiến dịch uống vitamin A và truyền thông khác về mắt.
- Thông báo định kỳ tối thiểu 01 lần/năm
học và khi cần thiết về tình hình sức khoẻ nói chung, tình trạng thị lực của
trẻ cho cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ. Nhân viên y tế trường học đánh giá
tình trạng sức khỏe và mắt của trẻ vào cuối mỗi cấp học để làm căn cứ theo dõi
sức khỏe ở cấp học tiếp theo.
- Lập và ghi chép vào sổ khám bệnh, sổ
theo dõi sức khỏe của trẻ, sổ theo dõi tổng hợp tình trạng sức khỏe và mắt của
trẻ
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát các điều
kiện học tập về ánh sáng, vệ sinh trường lớp, an toàn thực phẩm, cung cấp nước
uống, xà phòng rửa tay.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát để đảm
bảo cung cấp nước sạch cho trường học phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về
chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt
- Kiến nghị với Ban giám hiệu, đơn vị có
liên quan về các điều kiện phòng học, bàn ghế, vệ sinh môi trường, an toàn thực
phẩm, trang thiết bị phòng y tế, bếp ăn, nhà vệ sinh không đảm bảo theo quy
định và đề xuất Ban giám hiệu, đơn vị có liên quan sửa chữa, thay thế, khắc phục.
2.2. Tổ chức các hoạt động truyền
thông, giáo dục sức khỏe
- Tham gia biên soạn, sử dụng các tài liệu
truyền thông giáo dục sức khỏe, truyền thông các bệnh, tật về mắt với nội dung
phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện cụ thể của từng địa phương.
- Tổ chức và phối hợp tổ chức truyền
thông, giáo dục sức khỏe cho trẻ và cha mẹ hoặc người giám hộ về các biện pháp
phòng chống các bệnh về mắt; phòng chống tai nạn thương tích và các chiến dịch
truyền thông, giáo dục khác liên quan đến công tác y tế trường học do Bộ Y tế,
Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động.
- Đề xuất lồng ghép các nội dung giáo dục
sức khỏe, phòng chống các bệnh tật về mắt trong các giờ giảng.
- Tổ chức cho trẻ thực hành các hành vi vệ
sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống các bệnh về mắt; phòng chống tai
nạn thương tích thông qua các hình thức, mô hình phù hợp.
3. Những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến thị
lực về mắt ở trẻ mầm non
3.1. Những yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân gây nên những bệnh, tật về mắt
có thể do bẩm sinh di truyền và do mắc phải.
Một số nguyên nhân, yếu tố nguy cơ gây
bệnh, tật về mắt mắc phải:
a) Bệnh về mắt
- Bệnh khô mắt: Thường do thiếu vitamin A,
nguyên nhân chủ yếu bao gồm:
+ Ăn uống thiếu chất dinh dưỡng có nguồn
gốc động vật và thực vật;
+ Ăn thiếu dầu mỡ;
+ Tiêu chảy kéo dài gây rối loạn hấp thu
hoặc trẻ bị nhiễm khuẩn gây kém ăn;
+ Trẻ sơ sinh thiếu vitamin A thường do
không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ hoặc trẻ được cai sữa sớm .
- Bệnh mắt hột: Do Chlamydia trachomatis
gây ra, vi khuẩn mắt hột có nhiều trong dử (rử, ghèn, gỉ) mắt, nước mắt, thậm
trí cả trong nước mũi của người bệnh. Nếu tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết
này thì nguy cơ lây bệnh rất cao. Có thể lây gián tiếp qua các đồ dùng chung
như khăn mặt, chậu rửa mặt, gối hoặc lây qua ruồi.
- Viêm kết mạc cấp: Thường do virus hoặc
vi khuẩn có thể lây qua đường Tay- mắt hoặc đường hô hấp.
- Viêm loét giác mạc: Do vi khuẩn, virus,
nấm, ký sinh trùng.
b) Tật về mắt
- Tật khúc xạ: Thường gặp là không gian
sinh hoạt chặt hẹp, các điều kiện vệ sinh cho hoạt động thị giác không đảm bảo
(sử dụng mắt nhìn gần quá nhiều, điều kiện chiếu sáng không đảm bảo, mắt không
được nghỉ ngơi đầy đủ; tư thế ngồi học không đúng, bàn ghế ngồi học không phù
hợp với chiều cao của cơ thể trẻ).
- Lé (lác): do bẩm sinh hoặc do bệnh lý tại
mắt như tật khúc xạ cao hoặc lệch khúc xạ 2 mắt không được chỉnh kính, các bệnh
gây giảm thị lực 1 hoặc 2 mắt.
- Sụp mi: bẩm sinh hoặc sau chấn thương
mắt.
- Hở mi: Sau chấn thương mắt.
- Chắp, lẹo: Viêm, bít tắc tuyến bờ mi.
- Lông xiêu, quặm: Do bất thường cấu trúc
mi trên hoặc mi dưới khiến cho hàng lông mi không vểnh ra ngoài mà quặp vào
trong nhãn cầu; lông quặm, lông xiêu thường gặp biến chứng của bệnh mắt hột, do
chấn thương mắt hoặc sẹo do các nguyên nhân khác.
c) Chấn thương mắt
- Chấn thương mắt: Thường do trẻ đùa giỡn,
đánh nhau, tai nạn sinh hoạt, giao thông,…
- Dị vật: Mắt bị chấn thương do dị vật như
bụi… văng vào mắt.
- Bỏng mắt: Mắt bị chấn thương do hoá
chất, nước sôi văng vào mắt, lửa,…
d) Thiếu hoặc không có nước sạch; thói
quen vệ sinh của trẻ; chế độ nuôi dưỡng và bổ sung vitamin A.
3.2. Phòng tránh các bệnh, tật về
mắt
a) Đối với nhà trường
- Cho trẻ tăng cường các hoạt động vui
chơi ngoài trời.
- Thực hiện nguyên tắc 20 - 20 - 20: nhìn
gần 20 phút, nhìn xa 20 giây ở khoảng cách 20 feet (tương đương với 6m).
- Tổ chức kiểm tra, đo thị lực mắt tối
thiểu 01 lần/năm, riêng trẻ có tật khúc xạ kiểm tra thị lực mắt tối thiểu 6
tháng/lần.
- Khi ngồi tập vẽ, tập tô, giáo viên hướng
dẫn giúp đỡ trẻ ngồi thẳng lưng, ngay ngắn, không cúi sát mặt xuống bàn, khoảng
cách từ mắt đến mặt bàn khoảng một khuỷu tay trẻ.
- Cần đảm bảo đủ ánh sáng trong lớp học.
- Đối với trẻ học bán trú, đảm bảo thực
đơn đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt bổ sung đầy đủ vitamin A.
- Giáo viên hướng dẫn và giúp trẻ vệ sinh
cá nhân sạch sẽ, đảm bảo mỗi trẻ có khăn mặt riêng, rửa mặt bằng nước sạch, rửa
tay bằng nước sạch với xà phòng, không dùng tay dụi vào mắt.
- Không để trẻ chơi với các đồ vật sắc
nhọn.
b) Đối với gia đình
- Cho trẻ tăng cường các hoạt động vui
chơi ngoài trời.
- Không cho trẻ xem tivi, điện thoại ở
khoảng cách gần, liên tục và quá lâu, quá nhiều.
- Phối hợp với nhà trường cho trẻ đi kiểm
tra thị lực hàng năm.
- Khi trẻ ngồi tập tô, tập vẽ giúp đỡ và
hướng dẫn trẻ ngồi thẳng lưng, ngay ngắn, không cúi sát mặt xuống bàn và đảm
bảo đủ ánh sáng, khoảng cách từ mắt đến mặt bàn khoảng một khuỷu tay trẻ.
- Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng,
đặc biệt bổ sung đầy đủ Vitamin A (trứng, thịt, cá, rau, củ, quả có màu đỏ).
- Cha mẹ trẻ hướng dẫn và giúp trẻ vệ sinh
cá nhân sạch sẽ, rửa mặt cho trẻ bằng nước sạch, rửa tay bằng nước sạch với xà
phòng, không dùng tay dụi vào mắt.
- Không để trẻ chơi với các đồ vặt sắc
nhọn.
- Khi có dị vật vào mắt phải đến cơ sở y
tế khám ngay.
- Không nhỏ bất cứ thuốc gì vào mắt khi
chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt.
PHẦN
II
HƯỚNG
DẪN CHUYÊN MÔN Y TẾ TRƯỜNG HỌC VỀ CHĂM SÓC MẮT VÀ PHÒNG CHỐNG SUY GIẢM THỊ LỰC
CHO TRẺ EM MẦM NON
Chuyên
đề 1
CẤU
TẠO VÀ CHỨC NĂNG CỦA MẮT
1. Cấu tạo của mắt:
Mắt là một giác quan đảm nhận chức năng thị
giác (nhìn), nằm trong hốc mắt gồm nhãn cầu và các bộ phận có liên quan như mi
mắt, lông mi, hệ thống lệ quản và lệ đạo…


Hình
1. Các bộ phận cấu tạo của mắt.
2. Đặc điểm bình thường và chức năng của
từng bộ phận
Các thành phần của mắt có thể được quan
sát và thăm khám bằng mắt thường và/hoặc với đèn pin.
- Lông mày: Dải sợi lông dày phía trên
mắt, giúp ngăn mồ hôi, nước chảy vào mắt.
- Lông mi: Dải sợi lông trên bờ mi mắt,
giúp ngăn mồ hôi, nước chảy vào mắt; bình thướng sẽ hướng ra ngoài.
- Mi mắt: bao phía ngoài mắt (gồm mi trên
và mi dưới).
+ Mi mắt có chức năng bảo vệ mắt khỏi
nắng, gió, bụi, nước, ánh sáng chói.
+ Mi mắt chớp giúp dàn trải đều nước mắt,
làm ẩm mắt và giữ cho mắt không bị khô.
+ Bình thường, mi mắt trên khi mở sẽ che
1-2mm lòng đen phía trên và cân 2 bên.

Hình
2. Hình ảnh mi mắt bình thường và mi mắt bất thường.
- Kết mạc là một màng mỏng trong suốt có
mạch máu, phủ phần màu trắng của mắt (màu trắng của củng mạc) và mặt trong của
mi mắt. Kết mạc che phủ nhãn cầu, chống nhiễm khuẩn.
- Củng mạc là lớp vỏ ngoài cùng của nhãn
cầu, có màu trắng đục (lòng trắng). Củng mạc giống vỏ quả bóng có hai lỗ: lỗ
phía trước liên tiếp với giác mạc và lỗ phía sau được gắn với dây thần kinh thị
giác. Củng mạc là vỏ bọc giữ hình dạng nhãn cầu.
- Giác mạc có cấu trúc hình chỏm cầu nằm
phía trước mống mắt (thường có màu nâu đen) nên giác mạc còn được gọi là “lòng
đen”. Giác mạc được nối liền với củng mạc. Giác mạc là một phần vỏ bọc giữ hình
dạng nhãn cầu và có vai trò như một thấu kính hội tụ ánh sáng.
- Mống mắt là một cấu trúc phẳng hình
tròn, có thể màu đen nâu (ở người Việt Nam và người gốc châu Á) hoặc màu xanh
lơ (người gốc Châu Âu). Trên mống mắt có một lỗ tròn nhỏ ở chính giữa (đồng
tử), có kích thước khoảng 2-3mm, có thể co nhỏ hoặc giãn rộng điều chỉnh lượng
ánh sáng đi vào trong.
- Thể thủy tinh là một cấu trúc hình cầu,
trong suốt nằm phía sau đồng tử, có vai trò như một thấu kính hội tụ ánh sáng,
điều tiết giúp nhìn vật ở xa và ở gần. Các phần sau của mắt dưới đây chỉ có thể
thăm khám được với các phương tiện chuyên khoa như máy sinh hiển vi (đèn khe)
hoặc máy soi đáy mắt (Bác sĩ chuyên khoa mắt):
+ Thủy dịch là chất lỏng chủ yếu nằm phía
trước thể thủy tinh. Dịch kính là một cấu trúc trong suốt dạng gel (nhầy) nằm
phía sau thể thủy tỉnh. Thủy dịch và dịch kính trong suốt, cung cấp chất dinh
dưỡng, duy trì hình dạng nhãn cầu, cho phép ánh sáng đi qua và hội tụ tại võng
mạc.
+ Hắc mạc là lớp màng mạch máu nằm giữa
củng mạc và võng mạc. Hắc mạc giúp nuôi dưỡng nhãn cầu.
+ Võng mạc là lớp màng thần kinh trải rộng
ở mặt trong nhãn cầu. Võng mạc có hai vùng quan trọng là hoàng điểm và đĩa thị.
Võng mạc có vai trò nhận hình ảnh và truyền tín hiệu thần kinh tới não.
+ Dây thần kinh thị giác là hệ thống các
sợi thần kinh tập trung thành một dải nối nhãn cầu với não. Dây thần kinh thị
giác có chức năng dẫn truyền tín hiệu thần kinh.
+ Hệ thống sản xuất và dẫn lưu nước mắt :
nước mắt được sản xuất từ tuyến lệ, dàn đều trên bề mặt nhãn cầu, tập trung tại
góc trong mắt và thoát qua điểm lệ trên và dưới, vào lệ quản rồi qua ống lệ mũi
để thông xuống mũi.
